‘Keo dán gỗ, điện thoại nhập khẩu bị tắc tại cảng vì không tìm được đơn vị làm hợp quy’

(PLO)- Sau 17 năm thi hành đến nay Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã bộc lộ những bất cập không còn phù hợp với thực tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Chiều 28-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đồng tình với việc xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật vì sau 17 năm thi hành đến nay đã bộc lộ những bất cập không còn phù hợp với thực tế.

Góp ý cho dự thảo, ĐB đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm một nguyên tắc tại điều 6. Đó là Chính phủ cần có biện pháp để tạo cạnh tranh lành mạnh cho thị trường dịch vụ đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm tránh tình trạng xảy ra độc quyền hoặc nhóm lợi ích.

Nêu lý do, ĐB cho biết trong thực tiễn đã có những quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực nhưng không có đơn vị đánh giá sự phù hợp hoặc có nhưng không đủ công suất đã gây ách tắc đến hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều tháng. Những năm gần đây đều xảy ra tình trạng như vậy.

Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã bộc lộ những bất cập không còn phù hợp với thực tế
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đồng tình với việc xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật vì sau 17 năm thi hành đến nay đã bộc lộ những bất cập không còn phù hợp với thực tế. Ảnh: QH

ĐB dẫn chứng, như câu chuyện nhập khẩu keo dán gỗ, khi hàng nhập về đến cảng thì bị ách tắc lại vì doanh nghiệp không thuê được đơn vị nào làm hợp quy. Hay trường hợp quy chuẩn 5G cũng khiến mặt hàng điện thoại nhập khẩu bị ách tắc. Sau phải xử lý tình huống là ban hành văn bản lùi thời gian áp dụng.

“Hiện tại trong thời gian Quốc hội đang thảo luận dự thảo luật thì các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng vật liệu xây dựng, theo quy định hàng hoá nhập khẩu thuộc diện kiểm tra trước thông quan phải căn cứ vào kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định, nhưng hiện tại cơ quan quản lý chưa có văn bản nào chỉ định đơn vị chứng nhận hợp quy nên các doanh nghiệp đang rất lúng túng” - ĐB nói.

Tiếp tục ý kiến góp ý, ĐB đoàn Bắc Giang cho biết dù các cơ quan quản lý đã thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng thực trạng tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn có bất cập.

Hiện chúng ta có khoảng 13 ngàn tiêu chuẩn quốc gia và 800 quy chuẩn. Việc áp dụng quy chuẩn là bắt buộc còn tiêu chuẩn là tự nguyện, nhưng ĐB cho hay thực tế hầu hết khi thực hiện thì người có thẩm quyền đều quy định tuân thủ bắt buộc với tiêu chuẩn, nhất là đối với hoạt động xây dựng công trình.

ĐB cho rằng việc thiết kế tiêu chuẩn, quy chuẩn có thể gặp phải xu hướng là xây dựng quá chi tiết, quá thừa và chủ yếu quan tâm đến thủ tục thực hiện mà không ưu tiên theo hướng kiểm soát chất lượng khi kết thúc từng giai đoạn dẫn đến mất đi sự sáng tạo, tăng chi phí tuân thủ và có thể làm hỏng công nghệ và vật liệu đã thay đổi.

Hoặc có khi tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp hơn với thực tiễn, hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng lại chậm được ban hành áp dụng.

Để cải thiện vấn đề này được bền vững, theo ĐB, cách tốt nhất là phát huy vai trò của nhân dân và dựa vào nhân dân.

ĐB đề nghị việc sửa luật lần này cần bổ sung quy định cơ chế thúc đẩy sáng kiến cải tiến các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cơ chế giám sát của cộng đồng, Quốc hội, trách nhiệm giải trình của cơ quan ban hành để đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia luôn được cải tiến để phù hợp với hội nhập quốc tế, dễ thực hiện, chi phí tuân thủ tối ưu, có không gian sáng tạo để thúc đẩy áp dụng công nghệ, vật liệu mới trong thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Nội dung sáng kiến, giám sát, giải trình cần được thực hiện công khai và ghi nhận hoàn toàn trên môi trường số và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm