Kết luận ban đầu vụ CSGT Đồng Nai bảo kê xe

Chiều 24-12, Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin về công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Rất nhiều vấn đề nóng đã được lãnh đạo Bộ Công an cùng các đơn vị nghiệp vụ cung cấp cho báo chí.

Làm rõ vụ tố bảo kê, ăn chặn ở CSGT Đồng Nai

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Chánh thanh tra Bộ Công an, cho biết ngay khi nhận được thông tin báo chí phản ánh về vụ việc CSGT tại Đồng Nai bảo kê xe tải, lãnh đạo Bộ Công an đã giao Thanh tra Bộ Công an vào cuộc.

Kết quả xác minh ban đầu, thanh tra xác định Trung tá Phạm Hải Cảng (Đội trưởng Đội CSGT số 2) đã gọi điện thoại để can thiệp xử lý 10 phương tiện vi phạm. Trung tá Phạm Cẩm Tú (Đội phó Đội CSGT số 1) đã gọi điện thoại can thiệp xử lý sáu phương tiện vi phạm.

Đối với thông tin cho rằng cán bộ phản ánh vụ việc này bị trù dập, Thanh tra Bộ Công an cho hay trong năm 2019, Công an tỉnh Đồng Nai đã điều động 72 lượt cán bộ, chiến sĩ, trong đó có cán bộ Võ Quốc Khánh. Tất cả trường hợp điều động đều đúng theo quy định, không có căn cứ xác định việc trù dập cán bộ.

Đặc biệt, phó chánh Thanh tra Bộ Công an cũng cung cấp thông tin bước đầu về vụ việc tố cáo ăn chặn tiền trực, tiền bồi dưỡng… tại Đội CSGT số 2.

Theo Thanh tra Bộ Công an, với tiền chế độ của cán bộ, chiến sĩ (khoảng 1,4 tỉ đồng), khi nhận về Đội CSGT số 2 không cấp phát cho cán bộ, chiến sĩ mà để lại sử dụng chung (chi vào điện, nước, hiếu hỷ…).

Với khoản tiền bồi dưỡng tham gia kiểm dịch (khoảng 63 triệu đồng), khi nhận cũng không cấp phát mà giữ lại sử dụng chung.

Thiếu tướng Hiếu cho hay Thanh tra Bộ Công an đã có văn bản đề nghị lãnh đạo bộ giao cơ quan này xác minh, làm rõ hơn trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan để xử lý theo quy định.

Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, tại buổi họp báo. Ảnh: TUYẾN PHAN

Thanh tra công tác truy nã chánh văn phòng tòa án

Một vụ việc cũng đang được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là trường hợp ông Nguyễn Quang Huy, chánh Văn phòng TAND huyện Cao Phong (Hòa Bình), mang lệnh truy nã suốt 26 năm nhưng không ai hay biết.

Theo Thiếu tướng Lý Anh Dũng, Cục trưởng Cục An ninh điều tra, sau khi phát hiện bị can truy nã Nguyễn  Quang Huy làm chánh văn phòng của một cơ quan tòa án, lãnh đạo Bộ Công an đã giao Cơ quan An ninh điều tra bộ theo dõi.

Hiện tại cơ quan an ninh địa phương đã chính thức phục hồi điều tra đối với Nguyễn Quang Huy về tội danh phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng thành lập tổ thanh tra để làm rõ việc vi phạm (nếu có) trong quá trình phát lệnh và thực hiện truy nã.

“Sự việc đã xảy ra rất lâu, Công an tỉnh Hòa Bình đang rất tích cực, khi có kết quả chúng tôi sẽ chính thức thông tin” - Thiếu tướng Dũng cho hay.

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ Công an cung cấp thêm thông tin liên quan đến Tập đoàn Asanzo. Theo đó, phía Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an về vụ này từ cuối tháng 10-2019.

Theo Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Tài chính đã có cuộc họp chủ trì thống nhất kết luận theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xác định Asanzo “có dấu hiệu sai phạm”.

Tuy nhiên, để xác định sai phạm đó là hành chính hay hình sự thì cần phải xác minh làm rõ. Bộ Công an đang được giao xác minh các dấu hiệu vi phạm, nếu có đủ căn cứ xác định vi phạm quy định pháp luật thì sẽ khởi tố điều tra, không bỏ lọt bất cứ vấn đề nào.

Sẽ xin lùi thời hạn ghi âm, ghi hình khi hỏi cung

Về đề án thực hiện ghi âm, ghi hình khi hỏi cung từ ngày 1-1-2020, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, cho biết đây là chủ trương lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bộ, ngành chứ không chỉ riêng Bộ Công an.

Về phía mình, Bộ Công an đã thành lập ban nghiên cứu và xây dựng đề án chung, sau đó đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, việc áp dụng toàn quốc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung là vấn đề cần có thời gian và lượng kinh phí khá lớn.

Hiện tại Bộ Công an đã thí điểm việc ghi âm, ghi hình ở năm đơn vị, gồm Công an tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, TP.HCM, cơ sở giam giữ của Cơ quan An ninh điều tra và Cảnh sát điều tra.

Bộ Công an cũng quản lý 69 trại tạm giam, trong đó có nhiều buồng hỏi cung đảm bảo tiêu chuẩn. Từ trước đến nay, ngành công an đã triển khai việc ghi âm, ghi hình và đạt kết quả tốt. Tuy vậy, điều kiện thực tiễn vẫn cần có thêm thời gian chuẩn bị để triển khai đồng bộ.

Do đó, Bộ Công an sẽ báo cáo cấp thẩm quyền lùi thời hạn áp dụng vì cần xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo, tổ chức tập huấn cán bộ và có những yêu cầu đảm bảo kỹ thuật đòi hỏi nỗ lực lớn hơn.

Không bao che với vi phạm trong công an

Theo Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, nhằm chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Bộ Công an đề nghị báo chí phối hợp trong giám sát, phản biện, cung cấp thông tin về những hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, tác phong CAND…

Quan điểm của bộ là sẽ xử lý nghiêm minh, quyết liệt với vi phạm. Việc phát hiện, trao đổi, đưa thông tin giữa báo chí và lực lượng công an cần có sự phối hợp chặt chẽ, tránh những thông tin chưa được kiểm chứng, gây ảnh hưởng tới công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

“Về nguyên tắc, chúng tôi sẽ không bao che bất cứ vi phạm nào” - Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới