Kết luận vụ vũ khí hóa học ở Syria

Ngày 16-9 (giờ địa phương) tại New York, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã trình bày trước Hội đồng Bảo an LHQ báo cáo kết luận điều tra của đoàn thanh tra LHQ về vụ sử dụng vũ khí hóa học hôm 21-8 tại khu Ghouta ở ngoại ô Damascus (Syria). Theo hãng tin Reuters, các điểm chính trong báo cáo gồm:

Xác định có sử dụng vũ khí hóa học: Dựa theo các mẫu máu, nước tiểu và lời khai nhân chứng, vũ khí hóa học đã được sử dụng trên phạm vi khá rộng làm nhiều người chết, chủ yếu là dân thường. Thời tiết sáng hôm 21-8 thuận lợi để phát tán tối đa khí độc.

Bằng chứng tấn công mang tính chất phổ biến: 85% mẫu máu lấy từ bệnh nhân có các triệu chứng ngộ độc khí sarin. Kết quả này được xác minh qua kiểm tra lâm sàng.

Tìm thấy các thiết bị phát tán chất độc hóa học: Đoàn thanh tra LHQ đã xem xét các tên lửa đất đối đất đã nổ có khả năng mang đầu đạn hóa học. Tên lửa được đo đạc, chụp ảnh và lấy mẫu. Đa số tên lửa hay mảnh đạn thu được có dấu vết khí độc sarin.

Nhiều nơi có liên quan: Các tên lửa đất đối đất có chứa tác nhân sarin đã được sử dụng ở Ein Tarma, Moadamiyah và Zalmalka trong khu vực Ghouta.

Không rõ số nạn nhân: Do tình hình an ninh và nhiều hạn chế khác, không thể nắm được quy mô vụ sử dụng vũ khí hóa học để xác minh tổng số nạn nhân.

Kết luận vụ vũ khí hóa học ở Syria ảnh 1

Biếm họa của TOM JANSSEN, báo The Netherlands (Hà Lan).

Ai sử dụng vũ khí hóa học hôm 21-8?: Báo cáo của đoàn thanh tra LHQ không nêu vấn đề này vì đoàn chỉ có nhiệm vụ xác định vũ khí hóa học có được sử dụng hay không mà thôi.

Dù vậy, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Ngoại trưởng Anh William Hague vẫn quy kết trách nhiệm cho chính phủ Syria.

Trong ngày 16-9, các ngoại trưởng Mỹ, Anh và Pháp đã họp tại Paris (Pháp) và tuyên bố sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an ban hành nghị quyết trừng phạt Syria nếu Syria không thực hiện cam kết về phá hủy kho vũ khí hóa học. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo Nga phản đối bất kỳ nghị quyết nào đe dọa Syria.

Trong khi đó, báo Daily Telegraph của Anh ngày 16-9 đã công bố báo cáo của Viện nghiên cứu quốc phòng IHS Jane’s (Anh) với kết luận: Gần 50% quân nổi dậy Syria là các phần tử thánh chiến và Hồi giáo cực đoan.

Hiện có khoảng 100.000 tay súng nổi dậy ở Syria. Trong đó có 10.000 quân nước ngoài liên hệ với Al Qaeda, từ 30.000 đến 35.000 quân Hồi giáo cực đoan, 30.000 quân Hồi giáo ôn hòa và rất ít tay súng thuộc các nhóm không tôn giáo hoặc theo chủ nghĩa dân tộc.

Hãng tin Reuters đưa tin ngày 16-9 tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Paulo Pinheiro, Trưởng đoàn điều tra về tội ác chiến tranh ở Syria của LHQ, đã báo cáo trước Hội đồng Nhân quyền LHQ rằng từ tháng 7 đến nay, số vụ tội ác chiến tranh đã gia tăng ở Syria. Thủ phạm là phe đối lập và lính đánh thuê nước ngoài.

Lực lượng nổi dậy rải ra gần 1.000 nhóm, mỗi nhóm thuộc quyền quản lý của một nhóm lớn hơn. Hai nhóm thống trị là Mặt trận Al-Nusra và Quốc gia Hồi giáo ở Iraq và phương Đông (đều có liên hệ với Al Qaeda).

Các nhóm ôn hòa chỉ muốn lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad trong khi các nhóm Hồi giáo thánh chiến lại muốn thiết lập quốc gia Hồi giáo cực đoan. Do đó mới đây, tổ chức Quốc gia Hồi giáo ở Iraq và phương Đông đã mở chiến dịch thanh trừng.

Chuyên gia Charles Lister, tác giả báo cáo, nhận định: Các nhóm cầm đầu quân nổi dậy Syria tối thiểu có một quan điểm Hồi giáo chung; chưa xác định tổ chức thế tục nào cầm đầu; các nhóm Hồi giáo ôn hòa sẽ ngả theo các nhóm cực đoan nếu phương Tây không quan tâm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Báo cáo của IHS Jane’s được thực hiện dựa trên các cuộc nói chuyện với quân nổi dậy Syria và đánh giá của các cơ quan tình báo. Bà Carla del Ponte, thành viên Ủy ban điều tra của LHQ về vi phạm nhân quyền ở Syria, đánh giá báo cáo trên rất đáng tin cậy.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm