Kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành bằng đường sắt đô thị

(PLO)- Bộ GTVT yêu cầu việc vận chuyển hành khách bằng đường sắt quốc gia dự kiến đi thông qua hai hành lang là An Bình - Bình Triệu - Hòa Hưng - Tân Kiên và Thủ Thiêm - Tân Kiên.

Văn phòng Bộ GTVT vừa thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy tại buổi làm việc với UBND TP.HCM giữa tháng 4, về quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối trên địa bàn TP.

Vận chuyển hàng hóa không đi qua khu vực trung tâm

Theo đó, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết về nguyên tắc, quy hoạch đường sắt quốc gia phải được đặt trong tổng thể mối quan hệ với các tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) và các phương thức vận tải công cộng khác; bảo đảm kết nối đồng bộ với ĐSĐT để hỗ trợ gom, giải tỏa hành khách cho đường sắt quốc gia, hỗ trợ giải quyết ùn tắc giao thông tại TP.HCM.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, tiến độ lập quy hoạch, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đề nghị Cục Đường sắt, đơn vị tư vấn tiếp tục điều tra, khảo sát thu thập đầy đủ thông tin liên quan. Song song đó, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan, đơn vị tham dự họp để hoàn thiện đồ án quy hoạch.

Hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM. Ảnh: Đ.TRANG

Trong đó, Thứ trưởng Bộ GTVT lưu ý các đơn vị liên quan nghiên cứu việc tổ chức vận tải hàng hóa không đi qua khu vực trung tâm TP.HCM, vận chuyển hàng hóa từ Tân Kiên đến An Bình thông tuyến đường sắt vành đai; tuyến đường sắt vành đai có chức năng tổ chức vận chuyển hành khách.

Công tác tổ chức vận chuyển hành khách đường sắt quốc gia dự kiến đi thông qua hai hành lang là An Bình - Bình Triệu - Hòa Hưng - Tân Kiên và Thủ Thiêm - Tân Kiên.

“Yêu cầu tư vấn nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng các quy hoạch liên quan, phương án tổ chức vận tải, rà soát kỹ dự trữ hành lang hiện tại về khả năng đáp ứng của phương án tuyến và các chỉ tiêu kỹ thuật, chẳng hạn như độ dốc dọc, bán kính đường cong nằm, siêu cao... Các nhà ga bố trí đầy đủ chức năng của đường sắt quốc gia và một phần chức năng đô thị, bảo đảm tính kết nối đồng bộ, liên thông trong mạng lưới đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM”- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy yêu cầu.

Cục Đường sắt cũng được giao làm việc cụ thể với Sở QH-KT, Sở GTVT TP để sớm thống nhất phương án, báo cáo UBND TP.HCM có ý kiến chính thức.

Kết nối đường sắt sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành

Về kết nối đường sắt giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, Bộ GTVT và TP.HCM thống nhất trong tương lai sẽ tổ chức chạy tàu để vận chuyển hành khách giữa hai sân bay thông qua tuyến ĐSĐT số 6. Hiện tuyến ĐSĐT số 6 đang được nghiên cứu bổ sung trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; vị trí kết nối ray dự kiến tại khu vực nút giao Phú Hữu.

Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sau khi đầu tư, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền theo hướng bàn giao UBND TP.HCM quản lý, vận hành khai thác để đồng bộ với các tuyến ĐSĐT khác trong khu vực TP và phục vụ vận tải hành khách từ TP.HCM đến sân bay Long Thành.

Về tuyến xuyên tâm TP phục vụ cho khu vực phía tỉnh Tây Ninh và huyện Hóc Môn, Bộ GTVT giao Cục Đường sắt, tư vấn tiếp thu ý kiến Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường để nghiên cứu, phân tích, đánh giá thêm sự phù hợp của tổ chức vận tải (việc kết nối đường sắt quốc gia, việc gom, giải tỏa hành khách...), bảo đảm tổ chức khai thác thuận lợi các tuyến đường sắt quốc gia và các tuyến ĐSĐT.

Đối với sản phẩm của công tác lập quy hoạch, Bộ GTVT yêu cầu Cục đường sắt, tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch, bao gồm hoạch định công năng của từng ga đầu mối, các bản đồ, sơ đồ theo yêu cầu chung của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

Các ga phải xác định được diện tích, hình thái cụ thể đáp ứng yêu cầu chạy tàu, có dự trữ tương lai làm cơ sở để thỏa thuận địa phương, xác định chỉ giới, kết nối giao thông. Cạnh đó, ga phải bố trí các khu chức năng phù hợp với năng lực, yêu cầu tổ chức tác nghiệp và có kiểm toán để đảm bảo tính khả thi; rà soát kỹ phương án kết nối các tuyến ĐSĐT, đường sắt vùng với các ga đường sắt quốc gia, đặc biệt là các ga hành khách, hàng hóa lớn.

“Các tuyến phải có trắc dọc xác định cụ thể đoạn đi trên cao, đoạn đi thấp, đoạn đi ngầm…”- lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu.

Sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, Bộ GTVT giao Vụ KH-ĐT, Cục Đường sắt phối hợp tham mưu xác định nguồn vốn để thực hiện công tác lập hồ sơ, cắm ranh mốc để bàn giao cho các địa phương quản lý.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường sắt đẩy nhanh tiến độ triển khai, bảo đảm khoa học, đầy đủ cơ sở pháp lý và đồng bộ các quy hoạch liên quan. Thêm vào đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bố trí nhận sự rà soát chất lượng hồ sơ quy hoạch đảm theo nội dung nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt, chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT về số liệu báo cáo.

Đề xuất TP.HCM có 5 ga chính

Trước đó, Liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI SOUTH) và Trung tâm Tư vấn Đầu tư phát triển GTVT (CCTDI) đề xuất tại khu vực đầu mối TP.HCM sẽ quy hoạch 8 tuyến đường sắt. 8 tuyến này gồm: Trảng Bom - Sài Gòn (Hòa Hưng) - Tân Kiên; Biên Hòa - Vũng Tàu; TP.HCM - Lộc Ninh; TP.HCM - Cần Thơ; tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (đoạn Thủ Thiêm - cảng hàng không Long Thành); tuyến Thủ Thiêm - Long Thành; TP.HCM - Tây Ninh; đường sắt kết nối cảng Hiệp Phước, cảng Long An.

Tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM hiện có sẽ được tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu và từng bước đưa vào cấp kỹ thuật nhằm phát huy được vai trò chủ lực của vận tải đường sắt về hành khách và hàng hóa.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đầu tư, khởi công xây dựng mới một số tuyến, ga đường sắt vành đai, tuyến kết nối cảng biển lớn đáp ứng yêu cầu về năng lực vận tải đường sắt cũng như khả năng khai thác kết nối liên thông các tuyến đường sắt trong khu đầu mối, tạo tiền đề cho việc từng bước chuyển đổi công năng các đoạn tuyến đường sắt quốc gia trong khu vực nội đô. Các tuyến như: tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (đoạn Nha Trang - TP.HCM); tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối ra cảng Thị Vải, Cái Mép; tuyến TPHCM - Cần Thơ; tuyến TP.HCM - Lộc Ninh; tuyến Thủ Thiêm - Long Thành...

Tư vấn cũng đề xuất 5 ga hành khách trung tâm/ga chính. Trong đó, ga Sài Gòn/Hòa Hưng là ga hành khách trung tâm của TP, tổ chức chạy tàu khách xuyên tâm theo hướng ga An Bình - Bình Triệu - Sài Gòn - Tân Kiên theo kiểu "con lắc" qua ga trung tâm.

Ga Sài Gòn cũng là ga trung tâm của các loại tàu khách Bắc - Nam, tàu khách liên vận, tàu khách địa phương (vùng), tàu nội - ngoại ô… Hai ga hành khách đầu mối là ga An Bình và ga Tân Kiên có cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy, toa xe nằm ở hai đầu bên ngoài khu trung tâm...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới