Sự kiện kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên vượt qua hai nhà vô địch thế giới Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn (cử tạ) sau cuộc kiểm phiếu VĐV tiêu biểu toàn quốc 2014 khiến nảy sinh những ý kiến trái chiều. Theo đó, nếu các nhà báo công tâm và theo dõi sát tình hình thể thao trong năm 2014 thì chắc chắn VĐV vinh dự nhận danh hiệu cao quý này phải là một trong hai nhà vô địch thế giới chứ không phải Ánh Viên.
Theo tin từ ban tổ chức (BTC) - báo Thể Thao Việt Nam, kết quả thu lại từ 115 phiếu bầu hợp lệ từ các phóng viên, Ánh Viên vô đối với 1.077 điểm, Hoàng Xuân Vinh xếp thứ hai 975 điểm và Thạch Kim Tuấn chỉ 944 điểm. Đây cũng là ba VĐV chính cạnh tranh danh hiệu VĐV tiêu biểu năm 2014.
Ánh Viên (phải) với nhiều thành tích trong năm 2014 nhưng lại bị xem là “chưa chuẩn” so với hai nhà vô địch thế giới. Ảnh: QUANG THẮNG
Nếu cân đo đong đếm việc thành tích tỉ lệ thuận với kinh phí đầu tư thì lực sĩ Thạch Kim Tuấn xứng đáng nhất khi tiêu tốn khá ít kinh phí nhà nước nhưng mang về một HCV - hai HCB thế giới, giành hai HCB Asiad 17 phá hai kỷ lục châu Á, ba HCV phá ba kỷ lục giải trẻ thế giới. Kế đến, Hoàng Xuân Vinh cũng xuất sắc khi giành chức vô địch thế giới, đồng thời xô ngã kỷ lục nội dung 10 m súng ngắn hơi nam mà bắn súng Việt Nam mất hơn nửa thế kỷ (52 năm) mới thiết lập được tại đấu trường quốc tế. Đổi lại mức đầu tư cho Kim Tuấn trong năm 2014 chỉ tiêu tốn kinh phí nhà nước chưa đến 500 triệu đồng. Trong khi đó, Tổng cục TDTT đầu tư cho Ánh Viên tập huấn tại Mỹ hàng tỉ đồng. Song song đó Xuân Vinh và đội tuyển bắn súng ăn nằm dài hạn tại Hàn Quốc với một khoản kinh phí rất lớn, chiếm khoảng 1/3 tổng ngân sách đầu tư cho thể thao (?!).
Không chỉ bức xúc kết quả VĐV tiêu biểu, hạng mục HLV tiêu biểu cũng có rất nhiều sai sót. Chẳng hạn HLV điền kinh Nguyễn Trọng Hổ - người có công đào tạo hai nhà á quân Asiad 17 Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo nhưng không có tên trong danh sách đề cử khiến những người bầu chọn “không nhớ mặt đặt tên” đến công lao của ông Hổ.
Sự trái khoáy này xuất phát từ việc làm thiếu sâu sát của BTC cuộc bầu chọn. Đầu tiên là việc đưa ra các ứng viên không được xem xét trên diện rộng, kế đến là việc gửi thư mời bầu chọn đại trà đến các nhà báo không thuộc diện theo dõi kỹ thể thao Việt Nam trong năm… đã ít nhiều làm sai lệch kết quả bầu chọn không đúng đối tượng cần được tôn vinh. Đấy là chưa kể Xuân Vinh là VĐV đầu tiên của thể thao Việt Nam giành suất chính thức có mặt tại Olympic 2016 trong khi Kim Tuấn được dự báo sẽ nối gót đến Brazil vào năm sau.
Võ Thanh Tùng về đầu cuộc bầu chọn VĐV khuyết tật xuất sắc nhất Sự việc tương tự cũng xảy ra ở hạng mục bầu chọn VĐV khuyết tật tiêu biểu 2014 không có thêm ai ngoài danh sách năm VĐV được đề cử từ BTC. Ngôi đầu thuộc về kình ngư Võ Thanh Tùng (499 điểm), các lực sĩ cử tạ Lê Văn Công, kình ngư Nguyễn Thành Trung, lực sĩ Nguyễn Bình An, VĐV điền kinh Nguyễn Bé Hậu lần lượt xếp các vị trí tiếp theo. Ở hạng mục HLV khuyết tật tiêu biểu, ba HLV được đề cử là Đổng Quốc Cường, Nguyễn Hồng Phúc, Đặng Văn Phúc cùng về đích từ chính danh sách đề cử từ BTC. |