Bộ cũng mau chóng đưa ra kết luận kiểm tra theo hướng việc tăng giá được Bộ và ngành điện triển khai thực hiện đúng quy định. Tuy vậy, dường như công luận vẫn thấy còn nhiều chỗ chưa thuyết phục và tiếp tục thắc mắc.
Trước hết, lập luận của Bộ để lý giải vì sao kỳ thanh toán tháng 3 và tháng 4 vừa qua, hóa đơn tính tiền điện của rất nhiều hộ tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí cao hơn hầu như không có gì mới so với những gì mà ngành điện đã giải thích trước đó. Nào là do mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao; nào là do kỳ ghi điện tháng 3 nhiều hơn 3 ngày so với tháng 2. Phần tăng giá chỉ chiếm vai trò khiêm tốn với tỷ lệ 8,6%.
Có thực vậy không? Đâu là nguyên nhân chính khiến nhiều hộ sử dụng điện vô hình trung phải chịu mức tăng cao hơn gấp nhiều lần mức 8,6%? Đến giờ nhiều ý kiến chuyên gia và chính lãnh đạo EVN cũng thừa nhận cách tính tiền điện bậc thang luỹ tiến theo 6 bậc với bậc 1 và bậc 2 (hưởng giá ưu đãi) được thiết kế số kWh tiêu thụ quá thấp đã không còn phù hợp. Chính biểu giá bậc thang này thực tế góp phần đầy số tiền điện của rất nhiều hộ tăng cao đột biến. Bởi xài nhiều không chỉ phải trả nhiều mà cón phải trả giá cao hơn do nhảy bậc.
Thứ hai, đến nay, thực tế không mấy người biết được công thức tính giá điện và cách thức phân bổ chi phí để có thể chỉ ra những bất hợp lý trong trong cấu thành giá điện. Dư luận có quyền đặt vấn đề về việc có hay không chuyển lỗ từ các khoản đầu tư kém hiệu quả vào chi phí điện năng. Vấn đề ở đây là Bộ và EVN cần có câu trả lời thuyết phục.
Lần trước lập luận nói phải tăng giá điện có lý do giá điện Việt Nam thấp nhất trong số nhiều nước bị chỉ trích thì lần này Bộ Công Thương đưa thêm phần so sánh giá điện với GDP vào. Nhưng những luận điểm này chưa đầy đủ, chưa đủ sức thuyết phục.
Bởi đã so sánh giá điện Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều nước thì phải so sánh với cả đồng lương và thu nhập thực tế; phải so sánh với chi phí đầu vào của ngành điện các nước, so sánh với mức an sinh xã hội. Đặc biệt có chuyên gia còn cho rằng nếu tính theo các bậc trên cao, giá Việt Nam lại thuộc hàng đắt đỏ chứ không hề rẻ.
Hơn nữa dù EVN có công bố hàng quý, hàng năm những con số về thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh, quản lý ngành điện; chi phí, giá thành đầu vào… nhưng thực tế khó ai có thể kiểm chứng, đối chiếu khi những thông tin ấy đơn thuần chỉ từ 1 phía.
Vì vậy, dễ thấy báo cáo của Bộ Công Thương về giá điện cần phải chờ những cơ sở đối chứng khác. Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì một cuộc thanh tra giá điện. Người dân đang kỳ vọng tới đây sẽ được chứng kiến một báo cáo khách quan, công bằng và minh bạch của cơ quan thanh tra!