Chiều 11-10, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội chủ trì giao ban quý III-2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã. Hội nghị được tổ chức trực tuyến, điểm cầu chính tại trụ sở Thành ủy kết nối 601 điểm cầu với hơn 9.000 đại biểu tham dự.
Đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Hội nghị đã nghe báo cáo và thảo luận về kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, sau một năm thực hiện chỉ thị 24, công tác xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ đạt được nhiều kết quả quan trọng.
“Tổ chức bộ máy của Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được củng cố, kiện toàn theo hướng “một việc do một cơ quan đảm nhiệm”, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” – ông Bảo nhấn mạnh.
Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập 5 đoàn kiểm tra trực tiếp đối với 10 tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ TP và 14 cán bộ lãnh đạo; HĐND TP thực hiện 3 cuộc giám sát, tổ chức 1 phiên giải trình.
Thường trực HĐND TP tổ chức 7 cuộc giám sát, các ban của HĐND thành phố tổ chức 23 cuộc giám sát, khảo sát; UBND TP, các sở, ban, ngành đã tổ chức 911 cuộc thanh tra công vụ; Cấp ủy, Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra cấp huyện, cấp xã và tương đương đã thực hiện tổng số 1.520 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 3.313 tổ chức, cá nhân…
“Sau kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ đã phát hiện 873 tổ chức, cá nhân có vi phạm và đã xử lý 368 tổ chức, cá nhân” – ông Bảo nhấn mạnh.
Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, kết quả 1 năm thực hiện chỉ thị 24 cho thấy phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy có nhiều đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực trong toàn hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra.
Công tác này cũng góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phát động các phong trào thi đua sâu rộng trong bộ máy; triển khai nhiều mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng cho biết còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác như một số nơi còn thực hiện mang tính hình thức, dàn trải, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, còn chồng chéo nhiệm vụ; năng lực thực tế của một số ít cán bộ chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; công tác bố trí, sử dụng cán bộ có trường hợp chưa đúng chuyên môn đào tạo, năng lực, sở trường. Công tác xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, giám sát và tự kiểm tra công vụ của một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
Bộ máy chuyển biến tích cực hơn
Thông tin tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết cho biết, ngay sau khi Ban thường vụ Thành uỷ ban hành chỉ thị 24, huyện đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện với nhiều hình thức, cách làm phong phú, đa dạng.
Đặc biệt, Huyện ủy đã chỉ đạo 100% tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ, công chức, viên chức toàn huyện thực hiện xây dựng lịch công tác tuần, tiến hành đánh giá kết quả công việc từng tuần gắn với việc nhận diện 25 biểu hiện được đặt ra tại Chỉ thị và lấy đây làm tiêu chí để đánh giá cán bộ hằng tháng, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức.
“Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng 1 bảng biểu chi tiết 12 nội dung kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành làm tiêu chí đánh giá đối với người đứng đầu, lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị” – ông Thiết nói và cho biết một loạt hành động trên đã tạo ra chuyển biến rõ nét theo hướng tích cực trong các cơ quan, đơn vị của huyện Ứng Hoà.
Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho hay để thực hiện nghiêm túc chỉ thị 24, huyện này kiên quyết thay thế, điều chuyển các cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu. Đồng thời tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính quyền đô thị.
“Cho đến nay huyện đã cho thôi làm nhiệm vụ đối với 2 đồng chí Chủ tịch UBND xã, bố trí công tác khác 4 đồng chí Bí thư Đảng ủy xã” – ông Dũng thông tin.
Còn Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho hay, Quận ủy Hoàng Mai đã tiến hành giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 24 đối với 7 tổ chức đảng và 18 cá nhân. UBND quận kiểm tra 20 cuộc theo kế hoạch, 29 cuộc kiểm tra đột xuất, tổ chức thanh tra công vụ về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ cán bộ, công chức đối với 2 phường…
UBND quận phê duyệt quy trình giải quyết công việc nội bộ; cấp phường ban hành 214 quy trình, quy trình liên thông giải quyết công việc nội bộ của các đơn vị. Một số việc lớn, việc khó, quan trọng tồn tại từ nhiều năm của quận được chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc phức tạp đã được xử lý dứt điểm như trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng…
“Chỉ thị số 24 đã tạo sức ép tích cực, đã có một số cán bộ lãnh đạo đơn vị ở cấp phòng, cấp phường tự nhận thức rõ về năng lực, trách nhiệm của mình, đã làm đơn xin thôi nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý”, ông Tâm thông tin.
Gắn việc thực hiện chỉ thị 24 với lựa chọn nhân sự khoá mới
Kết luận về nội dung này, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến đánh giá: Việc thực hiện chỉ thị số 24 đã tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, nề nếp, hành động và khắc phục có hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị toàn TP.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU và Kế hoạch số 171-KH/TU ngày 14-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Trong đó, lưu ý chú trọng quán triệt 25 biểu hiện nêu trong Chỉ thị, gắn với đánh giá cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.