Năm 2016, thí sinh chọn nhiều môn Địa lý, Hóa học và Vật lý.
Không nhiều thay đổi
Thầy Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) – cho biết: năm nay , Trường THPT Tháp Mười có 376 học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó có 346 học sinh thi cụm đại học, 40 học sinh thi cụm tốt nghiệp. Trường được Sở GD&ĐT Đồng Tháp giao thêm nhiệm vụ nhận hồ sơ của thí sinh tự do trên địa bàn huyện Tháp Mười. Tính đến nay, có 131 hồ sơ của thí sinh tự do.
Về việc tự chọn môn thi, đa số học sinh chọn thi môn Hóa học (176 em, chiếm 46,2%), Vật lý có 98 học sinh chọn, chiếm 25,99%, Sinh học và Địa lý đều có 51 học sinh đăng ký, chiếm 13,5%, Lịch sử chỉ có 2 học sinh, chiếm 0,53%.
“Môn Hóa học là môn có kết quả cao ổn định trong nhiều năm liền, đề thi năm 2015 được giáo viên và học sinh xác định khá vừa sức, phân hóa học sinh tốt.
Môn Vật lý sẽ cùng với Toán và Hóa học hình thành tổ hợp được nhiều trường đại học dùng đề xét tuyển.
Môn Sinh học cũng được nhiều học sinh thích nhưng lo ngại vì đề thi năm vừa qua được cho là hơi khó đối với phần nâng cao.
Môn Địa lý có phần bài tập xử lý bản đồ, học sinh có thể kiếm điểm được nhất là ở phần kiến thức cơ bản dành cho xét tốt nghiệp.
Môn Lịch sử có 2 học sinh chọn thi, là những học sinh có năng lực tốt và thi đề xét đại học. Học sinh trung bình không chọn Lịch sử không phải vì không thích mà lo ngại các kiến thức Lịch sử nhiều và hơi khó nhớ, khó kiếm điểm.
Riêng môn Tiếng Anh là môn bắt buộc nhưng học sinh khá lo lắng vì đề thi năm 2015 được nhận định là khá dài và yêu cầu cao so với năng lực học ngoại ngữ của học sinh Việt Nam trong giai đọan hiện nay. Nói chung, tình hình đăng ký dự thi khá tương đồng với năm 2015” - thầy Nguyễn Văn Định lý giải sự chênh lệch trong việc chọn môn thi.
Cũng trên địa bàn Đồng Tháp, thầy Lê Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Điền – thông tin: Năm nay, Trường có 207 học sinh dự thi. Môn Địa lý đăng ký nhiều nhất với 119 em (57,48%), Vật lý 43 em (20,7%), Hóa học 35 em (16,9%), Lịch sử 10 em (4,8%) và không có học sinh chọn thi môn Sinh học.
Theo thầy Tuấn, Địa lý là một môn có chất lượng khá tốt của trường, nhiều năm liền có học sinh giỏi vòng tỉnh, đã từng có học sinh giỏi cấp quốc gia. Kết quả thi THPT quốc gia năm 2015, Địa lý là môn có kết quả tốt nhất trong các môn tự chọn. Đó là lý do có hơn 50% học sinh của trường chọn thi môn này.
Tại Trường THPT Đốc Binh Kiều (Đồng Tháp), thông tin từ Cô Tôn Thị Mai Thanh - Hiệu trưởng - Trường có 134 học sinh dự thi THPT quốc gia năm nay. Trong số này, môn Địa lý được 103 học sinh chọn (76,86%), Hóa học 19 học sinh chọn (14,17%), Sinh học có 10 học sinh (7,4%). Môn Địa lý cũng là môn học sinh của trường đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi năm 2015.
Với 492 học sinh dự thi THPT quốc gia 2016, Trường THPT Yên Dũng số 2 (Bắc Giang) có 203 em đăng ký dự thi với hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ; 289 học sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp. So với năm 2015, số thí sinh đăng kí chỉ xét tốt nghiệp tăng khoảng 20% so với năm 2015.
Thầy Lê Đình Khương – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 2 – cho biết: Việc đăng kí chọn môn thứ 4 để xét tốt nghiệp của trường về cơ bản cũng như năm 2015, không có nhiều bất ngờ. Chủ yếu học sinh vẫn chọn môn Địa lí. Những học sinh học khối A chủ yếu chọn 2 môn Vật lý hoặc Hóa học; Khối D chọn Địa lí; Khối C chọn Địa lí. Có duy nhất 1 học sinh chọn môn Lịch sử. Khối B, các em chọn Hóa học; có duy nhất 1 em chọn môn Sinh. Đối tượng học sinh chỉ xét tốt nghiệp của trường, 100% chọn môn Địa lí.
Học sinh cần có kế hoạch tự học hợp lý
Hiện nay, Trường THPT Tháp Mười đã hoàn thành việc tư vấn, hướng dẫn học sinh đăng ký môn thi tự chọn, chọn cụm thi và hoàn tất các thủ tục đăng ký dự thi.
Theo thầy Nguyễn Văn Định, từ kết quả và nguyện vọng của học sinh, nhà trường rà soát đội ngũ giáo viên và tổ chức ôn tập theo năng lực học sinh. Trường thực hiện chia học sinh thành 3 nhóm: Học sinh giỏi tập trung ôn tập phần nâng cao định hướng vào đại học; học sinh trung bình - khá phấn đấu đạt điểm khá để đảm bảo an toàn tốt nghiệp và có cơ hội vào đại học hoặc cao đẳng; nhóm học sinh yếu sẽ được nhà trường tập trung kiến thức cơ bản để đỗ tốt nghiệp.
Nhà trường cũng tổ chức các kỳ thi diễn tập để học sinh được cọ xát, sau mỗi đợt thi phân tích sâu kết quả, rà soát hiệu quả ôn tập để có những điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với gia đình để quản lý tốt việc tự học ở nhà của học sinh.
Đưa lời khuyên cho các thí sinh tại thời điểm này, thầy Nguyễn Văn Định cho rằng: Thí sinh cần tự đánh giá chính xác năng lực từng môn học của mình để có sự chuẩn bị tốt dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Chủ động trong quá trình ôn tập, ngoài việc tuân thủ các yêu cầu chuyên môn của nhà trường, học sinh phải có kế hoạch tự học hợp lý.
Các em cũng lưu ý thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và những sự kiện nổi bật của đất nước để bổ sung kiến thức trong quá trình ôn tập. Phân bổ thời gian hợp lý đối với việc ôn tập, nghỉ ngơi, ăn uống đảm bảo sức khỏe. Tính toán lộ trình phù hợp để đạt “điểm rơi phong độ” vào những ngày đầu tháng 7 năm 2016.
Cũng tổ chức ôn tập cho học sinh ngay từ đầu năm, Trường THPT Yên Dũng số 2 thực hiện phân loại đối tượng. Theo đó, học sinh có nguyện vọng thi ĐH, trường tổ chức theo đăng kí của học sinh và tổ hợp môn xét đại học; đối tượng chỉ xét tốt nghiệp sẽ ôn tập 3 môn Toán, Văn và Tiếng Anh.
“Việc bố trí cho học sinh ôn tập về cơ bản không gặp khó khăn, kể cả với trường hợp có 1 em đăng kí môn thứ 4 là Lịch sử, bởi em này nằm trong nhóm 23 học sinh học khối C của nhà trường. Lớp học khối C này đã được duy trì và ổn định từ đầu năm học. Trường hợp môn Sinh cũng vậy” - thầy Lê Đình Khương cho hay.
Cũng đưa ra lời khuyên cho thí sinh, thầy Khương lưu ý, mỗi học sinh dù thuộc đối tượng nào cũng cần xây dựng kế hoạch ôn tập chi tiết cho bản thân. Căn cứ vào năng lực bản thân, cấu trúc của đề thi để đặt mục tiêu điểm số cụ thể của từng môn.
“Các em hãy tận dụng tốt thời gian còn lại (2 tháng), bởi đây là thời gian vô cùng quan trọng, không còn kiến thức mới chỉ có kiến thức ôn tập. Mỗi ngày tự làm một đề thi xem kiến thức mình còn hổng chỗ nào để kịp thời điều chỉnh, ôn tập” - thầy Lê Đình Khương khuyên sĩ tử.
Theo Hiếu Nguyễn (GD&TĐ)