“Từ ngày 1-7, người chạy mô tô, xe máy, xe máy điện, xe đạp điện đội các loại mũ không phải là mũ bảo hiểm (MBH) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng. Trường hợp người ngồi trên xe (trừ trẻ em dưới sáu tuổi, người bệnh đi cấp cứu) vi phạm thì sẽ phạt cả người ngồi sau lẫn người chở” - Thiếu tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM (PC67), khẳng định khi trả lời trực tuyến trên báo Pháp Luật TP.HCM điện tử (plo.vn), ngày 27-6.
Đội mũ bảo hộ, mũ thời trang: Phạt!
Bạn đọc Trần Thanh Vân, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM, cho rằng việc đội hay không đội MBH chỉ ảnh hưởng đến bản thân người đội mũ nếu không may xảy ra tai nạn. Đây không phải nguyên nhân gây tai nạn giao thông (TNGT), vậy tại sao không tập trung mổ xẻ nguyên nhân (ví dụ uống rượu bia, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, ngược chiều...) để phạt mà lại “đè” cái mũ ra xử?
Những chiếc mũ như thế này chỉ có lớp nhựa, không được coi là MBH và người đội có thể bị xử phạt. Ảnh: MP
Theo Thiếu tá Huỳnh Trung Phong, PC67 thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp nhằm kéo giảm tai nạn và hạn chế thấp nhất thương vong do TNGT gây ra. Trong đó, việc tuyên truyền vận động và chế tài người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện là một trong những biện pháp quan trọng.
Thiếu tá Phong dẫn chứng Nghị định 171/2013 cho phép CSGT xử phạt người lái, người ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội “MBH cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội mà không cài quai đúng quy cách. Có nghĩa CSGT chỉ xử lý trường hợp đội các mũ không đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế và tính năng như mũ bảo hộ lao động, mũ hơi, mũ dành cho người đi xe đạp, mũ cối quân đội, mũ thời trang...
“Chúng tôi khuyến cáo người dân nên lựa chọn những MBH đạt chuẩn nhằm bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, CSGT sẽ không săm soi từng con tem hợp quy CR gắn trên mũ để kiếm cớ xử phạt. PC67 đã yêu cầu cán bộ, chiến sĩ CSGT phải thực hiện đúng quy trình, có thái độ lịch sự và giải thích rõ lỗi cụ thể cho người dân. Nếu người dân không đồng ý với việc xử lý thì liên hệ trực tiếp Đội CSGT đã lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt. Nếu thấy chưa thỏa đáng, người dân hãy liên hệ PC67 tại 341 Trần Hưng Đạo, quận 1 để chúng tôi giải quyết” - Thiếu tá Phong nói.
Đừng mua mũ trôi nổi
Ở khía cạnh khác, luật sư Mai Thanh Hà (6 Trần Xuân Hòa, quận 5) nêu: Hiện có một lượng lớn MBH dỏm bày bán tràn lan trên thị trường. Các cơ quan chức năng làm gì để chấm dứt hành vi gây nguy hiểm cho xã hội này?
Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trả lời: Việc sản xuất, lưu thông các loại hàng hóa (trong đó bao gồm cả MBH) không bảo đảm chất lượng đều bị cấm. Thời gian qua, công an, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành đã kiểm tra, xử lý nghiêm nạn sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng. Tuy vậy, do chạy theo lợi nhuận nên vẫn còn cơ sở lén lút sản xuất, buôn bán MBH dỏm. Ngay nhiều người dân vẫn chọn mua MBH giá rẻ, kém chất lượng để đối phó.
Tuy vậy, bạn đọc Trần Văn Tâm (50 tuổi, ở Đồng Nai) băn khoăn: “Nói người dân ham rẻ mua là chưa ổn. Nếu các anh quản lý tốt việc sản xuất, kinh doanh MBH thì làm gì có hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường”. Ông Bách đặt giả thiết nếu không có việc người dân mua hàng dỏm thì liệu các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng dỏm có tồn tại được không? Từ đó, ông Bách đề nghị có sự hỗ trợ từ phía người dân thông qua việc không sử dụng MBH không đạt chuẩn để cùng giải quyết tốt tình trạng trên.
“Người tiêu dùng nên đến các cửa hàng, đại lý phân phối chính thức chọn những sản phẩm hội đủ tiêu chuẩn về nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, tem CR, giấy bảo hành và cả hóa đơn chứng từ” - ông Bách khuyến cáo.
MINH PHONG
Cách nhận diện MBH “xịn” MBH đúng quy định phải gồm đủ ba bộ phận vỏ mũ, lớp đệm hấp thu xung động và quai mũ. Trên mũ phải có đầy đủ nhãn hàng hóa (ghi là “MBH dành cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy”), tem hợp quy CR, tem bảo hành, tên tổ chức chứng nhận… Ngoài ra, có thể kiểm tra MBH xịn hay không thông qua vỏ mũ, độ cứng, quai đeo. Cụ thể, mũ “xịn” thì vỏ ngoài nhẵn, mịn và không có những chi tiết nhọn chìa ra ngoài hay hướng vào lòng mũ. Vỏ mũ đạt chuẩn thường có màu trắng khi nhìn từ cạnh mép mũ phía trong, còn mũ kém chất lượng thường có màu đen hoặc nâu do được làm bằng nhựa tạp phẩm. Với MBH đạt chuẩn thì khi dùng tay bóp mạnh vào cạnh hai mép, mũ vẫn không bị biến dạng. Dây quai MBH xịn sẽ không giãn quá nhiều khi kéo căng và nên thử luôn khóa mũ để chọn chiếc khóa có khóa vừa nhạy (khi mở - đóng), vừa có độ giữ chắc (khi đóng). _____________________________________ Để đội MBH an toàn, đúng cách cần thực hiện các bước sau: - Mở dây quai mũ, đội lên đầu và kiểm tra có vừa đầu không. Nếu quá rộng dễ bị sụp xuống mặt, lật ra sau hay lệch sang một bên. - Hãy luôn cài quai mũ nhưng lưu ý không cài quá chật hoặc quá lỏng. Sau khi cài, thử nhét hai ngón tay xuống dưới cằm, nếu nhét được một hoặc hai ngón tay là vừa. Ông NGUYỄN VĂN HOÀNG, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH SX-TM Kỹ thuật Á Châu |