Dự kiến ngày 20-5, TAND TP Tuy Hòa (Phú Yên) sẽ xử sơ thẩm lần hai vụ ông Nguyễn Cửu Thanh Quang bị truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Thời gian qua, ông Quang đã liên tục gửi đơn kêu oan đến nhiều cơ quan chức năng ở Phú Yên và trung ương.
Từng hủy án vì chưa đủ cơ sở buộc tội
Theo hồ sơ, lúc 22 giờ 15 ngày 12-12-2011, Lê Đức Thạch chạy xe máy trong trạng thái có men rượu, chở bạn là Trần Công Kỳ trên đường Nguyễn Tất Thành (TP Tuy Hòa). Thạch tự gây tai nạn làm cả hai té ngã. Kỳ đỡ bạn dậy nhưng không được nên đến dựng xe máy rồi bỏ đi về nhà trọ gọi bạn đến giúp.
Lúc này, ông Quang chạy xe khách giường nằm đi đến, do không chú ý quan sát mặt đường nên để xe đè qua người Thạch làm nạn nhân chết tại chỗ. Ông Quang chạy xe khách đến thị xã Sông Cầu (cách nơi xảy ra tai nạn gần 60 km) thì bị công an chặn lại.
Tháng 3-2012, ông Quang bị Công an TP Tuy Hòa khởi tố, bắt tạm giam về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tháng 12-2012, ông được TAND TP Tuy Hòa cho tại ngoại.
Suốt quá trình điều tra, truy tố đến phiên xử sơ thẩm lần đầu hồi tháng 4-2013 của TAND TP Tuy Hòa, ông Quang luôn một mực kêu oan, cho rằng mình không gây ra, không biết vụ tai nạn trên. Dù vậy TAND TP Tuy Hòa vẫn phạt ông ba năm tù.
Ông Quang kháng cáo kêu oan. Tháng 8-2013, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu do việc điều tra có nhiều thiếu sót, chưa đủ cơ sở vững chắc để buộc tội.
Ông Nguyễn Cửu Thanh Quang cho rằng mình đã bị làm oan. Ảnh: TẤN LỘC
Nhiều điểm bất hợp lý chưa được làm rõ
Một trong những căn cứ để cấp sơ thẩm buộc tội ông Quang là có một số nhân chứng khai nhìn thấy một chiếc xe khách màu xanh chạy đến cán qua người đang nằm trên đường.
Tuy nhiên, theo Thẩm phán Võ Nguyên Tùng (Phó Chánh tòa Hình sự TAND Phú Yên, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm), nội dung lời khai của các nhân chứng có nhiều mâu thuẫn, có nhiều tình tiết không phù hợp với bản ảnh, biên bản khám nghiệm, sơ đồ hiện trường. Vậy mà cấp sơ thẩm không tiến hành cho các nhân chứng đối chất với nhau về những nội dung còn mâu thuẫn trong lời khai, không tiến hành thực nghiệm điều tra. Theo hồ sơ, trong khi dấu vết hiện trường cho thấy nạn nhân nằm song song với chiều xe chạy thì hầu hết nhân chứng lại khai nằm ngang, gần vuông góc so với chiều xe chạy. Ngoài ra các nhân chứng cho rằng nạn nhân bị cán bên trái nhưng thực tế nạn nhân lại bị phù não bên phải.
Theo bản án phúc thẩm, để xác định sự thật khách quan của vụ án, trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, TAND TP Tuy Hòa đã từng quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng cơ quan điều tra không thực hiện: Thứ nhất, tòa yêu cầu phải vẽ sơ đồ hiện trường sau khi xe máy bị té để xác định Kỳ, Thạch và xe máy nằm ở vị trí nào trên mặt đường, đồng thời xác định lại hiện trường vụ tai nạn còn nguyên vẹn hay đã bị xáo trộn. Thứ hai, tòa yêu cầu làm rõ nạn nhân Thạch còn sống hay đã chết sau khi tự té xe máy. Thứ ba, tòa yêu cầu làm rõ những bất hợp lý như vì sao trong biên bản khám nghiệm hiện trường hai tay nạn nhân duỗi thẳng theo người nhưng trong các bút lục khác lại thể hiện hai tay nạn nhân đặt lên ngực; tại sao trên ngực nạn nhân và quần áo đang mặc có in hình lốp xe, có phải là vân của lốp xe khách. Thứ tư, tòa yêu cầu phải thực nghiệm điều tra theo mô hình mẫu để xác định rõ nạn nhân khi ngã xe máy nằm ở vị trí nào, tư thế ra sao trên mặt đường, bị cán ở vị trí trên cơ thể, cơ chế tác động ra sao để có hậu quả như trên bản ảnh; khoảng cách người làm chứng cách vị trí người tai nạn có bị ảnh hưởng tầm nhìn hay không...
“Việc tòa sơ thẩm yêu cầu điều tra bổ sung nhằm đánh giá các nguồn chứng cứ một cách toàn diện là rất cần thiết nhưng cơ quan điều tra đã không thực hiện. Các thiếu sót này cấp phúc thẩm không thể bổ sung được nên chưa đủ cơ sở để buộc tội bị cáo” - Thẩm phán Tùng cho biết thêm.
Tiếp tục truy tố
Do cơ quan điều tra không thực hiện các yêu cầu của tòa sơ thẩm nên tòa phúc thẩm tiếp tục yêu cầu cơ quan điều tra phải điều tra làm rõ các bất hợp lý trên. Tuy nhiên, trong bản kết luận điều tra mới ngày 24-12-2013 của Công an TP Tuy Hòa, các yêu cầu này cũng chưa được đáp ứng. Kết luận điều tra mới và cáo trạng mới cơ bản giống như trước, không có gì thay đổi.
Về mặt chứng cứ, qua nhiều lần kiểm tra, giám định chiếc xe khách của ông Quang, cơ quan điều tra đã không thu giữ được thêm một mẫu vật gì liên quan đến việc gây tai nạn, không có vết máu dính trên xe, xe không có vết trầy xước… Cơ quan điều tra cho rằng trên ngực, quần áo nạn nhân có in hình lốp xe, từ đó kết luận chiếc xe khách cán qua người nạn nhân trong khi theo kết quả giám định, nạn nhân chỉ bị dập não. Chiếc xe khách nặng gần 20 tấn, nếu cán qua người nạn nhân thì tại sao thân thể nạn nhân không tổn thương, không va chạm với gầm xe (chỉ cao 0,32 cm), không để lại một dấu vết gì ở gầm xe?
Ngay một luật sư từng có thời gian bảo vệ cho gia đình nạn nhân cũng nhận xét: “Vết lốp xe gì thì chưa rõ nhưng chắc chắn không phải vết lốp bánh xe khách. Nếu xe khách cán qua thì còn gì là thi thể nạn nhân. Cơ quan điều tra phải tìm ra thủ phạm gây án thật sự chứ không thể tự vẽ ra nhiều điều để cố áp cho Quang có tội. Trong vụ này, cơ sở buộc tội còn nhiều điều bất hợp lý lắm”.
TẤN LỘC
Tố bị đánh đập, ép cung Trong đơn kêu oan gửi các cơ quan chức năng, ông Quang đã tố cáo ông Lê Đức Hoàn (Phó Trưởng Công an TP Tuy Hòa, người có liên quan trong vụ năm công an đánh chết người) đã ra lệnh bắt giam ông, đồng thời trực tiếp hăm dọa, khủng bố tinh thần ông. Ông cũng tố cáo Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa, bị cáo trong vụ năm công an đánh chết người) đã đánh đập, ép cung ông. |