Ngày 9-6, trao đổi với PLO, một lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk xác nhận đến nay UBND tỉnh này vẫn chưa ra quyết định giao đất cho chủ đầu tư dự án khách sạn Sojo và thương mại dịch vụ Buôn Ma Thuột (gọi tắt là KS Sojo Buôn Ma Thuột). Lý do là vị trí đất để làm dự án trên chưa phù hợp quy hoạch đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án khách sạn đã làm xong nhưng chưa thể nghiệm thu hoàn công do chưa được giao đất. Ảnh: VŨ LONG |
Theo vị lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk, khi nào Trung ương phê duyệt quy hoạch sử dụng đất chung toàn TP Buôn Ma Thuột đến năm 2045, thì UBND tỉnh sẽ điều chỉnh cục bộ; khi đó doanh nghiệp mới được giao đất thực hiện dự án.
Dự án KS Sojo Buôn Ma Thuột được thực hiện trên khu đất là trụ sở cũ của Sở Xây dựng Đắk Lắk ở địa chỉ số 15 Hùng Vương, TP Buôn Ma Thuột. Hiện dự án đã hoàn thành xây dựng một khách sạn cao sáu tầng. Cơ sở này cũng đã bắt đầu đón khách vào ở, đồng thời cho một ngân hàng thuê làm nơi giao dịch.
Sau khi hoàn thiện xây dựng, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư quản lý khách sạn TNH Tây Ninh làm hồ sơ đề nghị cơ quan thẩm quyền tỉnh Đắk Lắk phê duyệt hoàn công.
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Đắk Lắk, do chưa được UBND tỉnh ra quyết định giao đất, dự án KS chưa đủ điều kiện để được kiểm tra, chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình theo quy định.
Các hoạt động bên trong dự án khách sạn ở TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG |
Vẫn theo Sở Xây dựng Đắk Lắk, việc chủ đầu tư dự án KS Sojo Buôn Ma Thuột chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) là do thiếu sót trong việc bán đấu giá tài sản công là cơ sở nhà, đất tại trụ sở làm việc cũ của Sở Xây dựng.
Vị trí xây dựng khách sạn trên tại thửa đất đã được phê duyệt trúng đấu giá có mục đích sử dụng là đất thương mại, dịch vụ. Điều này chưa phù hợp với quy hoạch chung TP Buôn Ma Thuột giai đoạn 2014-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 249.
Theo hồ sơ, tháng 7-2021, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ký quyết định điều chỉnh quy hoạch khu vực trụ sở cũ Sở Xây dựng sang đất thương mại, dịch vụ. Sau đó, nhận thấy các nội dung này không phù hợp, Sở TN&MT đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi.
Trên cơ sở kết quả họp liên ngành, Sở Xây dựng đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc về những thiếu sót trong việc bán đấu giá tài sản công là cơ sở nhà, đất tại trụ sở cũ của Sở Xây dựng làm cơ sở để thực hiện việc cấp GCN, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và bàn giao đất trên thực địa cho đơn vị trúng đấu giá.
Giá đất thấp bất thường
Thời gian qua, báo Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều bài phản ánh xung quanh việc bán đấu giá khu đất là trụ sở cũ của Sở Xây dựng Đắk Lắk.
Đầu năm 2021, UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá cơ sở nhà đất tại trụ sở cũ của Sở Xây dựng trên đường Hùng Vương, TP Buôn Ma Thuột cho một doanh nghiệp tư nhân, với tổng diện tích gần 3.500 m2.
Theo đó, doanh nghiệp này đã trúng đấu giá mua cơ sở nhà đất trên với giá hơn 60 tỉ đồng. Trong đó, riêng tiền quyền sử dụng đất hơn 57 tỉ đồng, tương đương hơn 16 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, một số chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ở Đắk Lắk cho rằng giá trên là thấp bất thường.
Bởi theo bảng giá đất hàng năm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk do HĐND tỉnh ban hành, vị trí đường Hùng Vương (từ đường Đinh Tiên Hoàng đến đường Bà Triệu, TP Buôn Ma Thuột) có giá mức giá 22 triệu đồng/m2.
Văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ ra nhiều sai sót liên quan đến bán đấu giá quyền sử dụng đất khu đất này.
Cụ thể, tại thời điểm lập phương án đấu giá tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa có quy hoạch để chuyển đổi; chưa đăng ký danh mục bán đấu giá chuyển quyền sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của TP Buôn Ma Thuột; chưa tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn…