Khai đúng giá đất để đóng thuế, khi nào là chuyện tất nhiên?

(PLO)- Một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường bất động sản nước ta là giá nhà đất không ngừng tăng nhưng thuế thu được từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản lại không tương xứng.

Người ta vẫn nói tìm đỏ mắt ở TP.HCM, Hà Nội… không ra căn hộ có giá dưới 2 tỉ đồng nhưng hồ sơ khai nộp thuế chuyển nhượng vẫn xuất hiện con số từ vài trăm triệu đến 1 tỉ đồng khá nhiều. Lý do là vì hiếm có người khai giá đóng thuế đúng với giá thật.

Thỏa thuận khai giá thấp để đóng thuế, lệ phí thấp là kiểu win-win giữa bên mua và bên bán. Do vậy, hiện tại muốn thu thuế đủ thì không thể kỳ vọng vào sự tự giác của người dân mà bắt buộc phải có các thiết chế minh bạch. Đã đến lúc Nhà nước phải vào cuộc, dựng nên một bộ khung vững chắc cho thị trường bất động sản (BĐS). Điều này ở các nước tiên tiến đều đã làm được từ lâu.

Thời gian gần đây, những hồ sơ khai thuế chuyển nhượng BĐS với giá quá phi lý đã bị trả lại. Nhiều hồ sơ nộp lần hai giá BĐS thay đổi đến ngạc nhiên và nhiều tỉ đồng thuế đã được tăng thêm cho ngân sách.

Mặc dù cơ quan thuế khẳng định không có trường hợp trả hồ sơ oan (dựa vào việc không có người dân nào khiếu nại), song có thể thấy việc này vẫn chỉ dựa trên quyết định có phần chủ quan của cơ quan thuế chứ không có căn cứ giấy trắng mực đen mộc đỏ nào cả.

Người dân dù khai không đúng vẫn sẽ ấm ức bởi “Tại sao tôi bị trả hồ sơ, còn người khác thì không?”; gặp người liều họ khởi kiện thì cơ quan thuế cũng khó trưng ra căn cứ pháp luật cho việc trả hồ sơ của mình.

Nếu kéo dài tình trạng tự quyết này rất dễ dẫn đến tiêu cực trong chính cơ quan công quyền. Khi có quyền, cán bộ có thể nảy sinh nhũng nhiễu, thái độ khó dễ khi xử lý hồ sơ cho người dân.

Lúc này, để giải quyết nhanh gọn, nhiều người lại chọn giải pháp “bôi trơn” bằng quà cáp cho người có thẩm quyền. Vậy thì ngành thuế vẫn thất thu, ngân sách vẫn thiếu hụt mà tiêu cực ngày càng nhiều. Để cho ngành thuế tự xử lý không thể là giải pháp đúng đắn và lâu dài.

Riêng về chuyển nhượng BĐS, người mua - bán ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… không có cách nào để khai sai giá trị giao dịch.

Có nhiều biện pháp, trong đó có hai việc mà Việt Nam có thể ứng dụng ngay là xây dựng một bảng giá đất theo thị trường hoàn chỉnh và quy định mọi giao dịch BĐS phải qua bên thứ ba là ngân hàng. Ở một số nước, tham gia một giao dịch nhà đất còn bắt buộc phải có công ty môi giới (được cấp phép) và luật sư nhằm thêm phần chặt chẽ.

Tại các nước phát triển, ngân hàng nắm mọi giao dịch có giá trị, chỉ cần có điểm bất thường như đột nhiên người dân đem gửi một khoản tiền mặt lớn hay giao dịch nhà đất khác giá so với khu vực… cơ quan này sẽ báo cáo ngay. Nhiều nước có bảng giá đất theo thị trường chính xác đến từng quận, huyện, loại đất, vị trí… cập nhật biến động mỗi năm một lần.

Như vậy làm sao có đầu cơ, làm sao có sốt đất? Người dân ai cũng như ai, không thể làm lệch và khi nhà nước, doanh nghiệp cần lấy đất của dân để làm dự án cũng theo đó mà bồi thường, quyền lợi - nghĩa vụ đồng đều.

Giống như có một cây thước, chỉ cần kê vào là mọi đường thẳng đều hoàn hảo. Thuế đóng công khai, minh bạch, hồ sơ chuẩn xác, người dân được đảm bảo quyền lợi sẽ thành thật một cách tự nhiên, còn cán bộ thuế cũng không có kẽ hở để nhũng nhiễu.

Luật được ứng dụng dễ hiểu, thống nhất và công bằng như một bảng nội quy khu phố, chẳng có gì là cao xa, cũng không có gì là miễn cưỡng. Tin rằng người dân không ai muốn khai gian để rồi bị làm khó, thậm chí đối diện với hình phạt lao lý. Khi quyền lợi sòng phẳng sẽ không có chỗ cho gian dối, lạm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới