Khai thông kinh tế cảng biển TP.HCM

Hôm nay (19-4), TP.HCM sẽ đón chuyến tàu thử nghiệm tải trọng gần 31.000 tấn hàng vào cụm cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Đây là chuyến tàu “mở hàng” cho các tàu biển tải trọng 50.000 tấn chở hàng hóa ra vào TP.HCM.

Chạy đua tiến độ

Theo kế hoạch, ngày 19-4, tàu biển Xutra Bhum gần 31.000 tấn hàng sẽ cập cảng Hiệp Phước thông qua luồng Soài Rạp. Tàu dài 294 m, rộng gần 40 m với mớn nước khoảng 11,4 m bốc dỡ hàng tại cảng Cát Lái (quận 2) nhưng tàu đi bằng luồng sông Lòng Tàu.

TP.HCM có lịch sử 300 năm phát triển kinh tế gắn liền với cảng biển. Nhưng từ trước đến nay, việc giao thương kinh tế biển của TP.HCM phụ thuộc vào luồng Lòng Tàu với đặc điểm luồng nhỏ, hẹp không thể đón được các tàu có sức chở lớn (hay gọi là Panamax). Ngoài ra, nhằm giải quyết vấn nạn kẹt xe, TP.HCM di dời các cảng biển ra nội thành và chọn Hiệp Phước làm cụm đô thị cảng phục vụ chương trình di dời. Để đáp ứng yêu cầu hoạt động ở cảng mới, TP.HCM đặt ra yêu cầu nạo vét, khơi thông luồng mới, mở đường cho tàu biển lớn ra, vào.

 
Nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi sự kiện “tàu biển mẹ” lần đầu tiên cập cảng TP.HCM. Trong ảnh: Dỡ hàng ở cảng SPCT. Ảnh: MP

Theo kế hoạch, vào đầu tháng 6-2014, luồng Soài Rạp sẽ được nạo vét đến độ sâu -9,5 m trên toàn tuyến và mở rộng chiều ngang rộng tối thiểu 90 m để khi triều dâng cao, những loại tàu biển mẹ mớn nước 11 m, có tải trọng 45.000 tấn đầy tải hoặc tàu 50.000 tấn vơi tải đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, theo đề nghị của một số đơn vị cảng biển, hãng tàu, chủ đầu tư dự án nạo vét luồng Soài Rạp (thuộc Sở GTVT) và nhà thầu nước ngoài tăng tốc tập trung thiết bị máy móc, nhân lực làm việc 24/24 giờ và đến nay dự án nạo vét phần 1, giai đoạn 2 đạt 95% khối lượng. Hiện nay ở đoạn sông cong đã được mở rộng lên 120 m đảm bảo theo tiêu chuẩn tối thiểu để đón tàu. Đồng thời phương án lai dắt đã được hoàn chỉnh và hôm nay (19-4) sẽ đón tàu gần 31.000 tấn vào luồng Soài Rạp.

DN sẽ được lợi

“Ở giai đoạn 1, luồng Soài Rạp được nạo vét sâu xuống -7,5 m và theo đó chỉ những tàu biển 5.000 tấn đầy tải hoặc 15.000 tấn vơi tải qua lại được. Mặt khác, chiếc tàu biển lớn nhất đã vào TP.HCM chỉ có tải trọng 40.000 tấn nhưng lại đi qua luồng Lòng Tàu. Việc TP.HCM đón chiếc tàu 50.000 tấn sẽ là sự kiện lịch sử trong phát triển kinh tế biển ở địa phương” - ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (Portcoast, đơn vị lập quy hoạch cảng biển khu vực TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu), đánh giá.

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Phó Tổng Giám đốc cảng Container Trung tâm Sài Gòn (SPCT), cho biết trong quá trình nạo vét luồng Soài Rạp, nhiều hãng tàu đã quan tâm, đặt vấn đề mở các tuyến vận chuyển thẳng từ TP.HCM đến các thị trường lớn trên thế giới mà không phải thông qua cảng trung gian khác. “Khi luồng Soài Rạp được khơi thông sẽ kích hoạt kinh tế biển TP.HCM phát triển do thông qua luồng này sẽ rút ngắn khoảng 30 km so với việc đi qua luồng Lòng Tàu. Lòng sông rộng và thẳng, tốc độ di chuyển của tàu hàng rút ngắn được khoảng 2 giờ chạy tàu làm kéo giảm đáng kể chi phí hoa tiêu, nhiên liệu… Ngoài ra, việc cảng SPCT có thiết bị hiện đại, tiếp nhận được tàu sức chở lớn còn làm giảm chi phí vận chuyển. Do vậy, đây sẽ là một thông tin tốt cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Thông qua việc giảm chi phí, thời gian vận chuyển sẽ làm tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất, nhập của Việt Nam” - ông Tâm nhận xét.

Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ GTVT, việc nạo vét luồng Soài Rạp không chỉ phục vụ phát triển kinh tế biển của TP.HCM mà còn tạo điều kiện để phát triển hệ thống cảng trên sông Soài Rạp, gồm cả Long An và Tiền Giang.

MINH PHONG

 

Tiếp tục vét sâu, đón tàu 70.000 tấn

Để nạo vét luồng Soài Rạp đạt đến độ sâu -9,5 m, TP.HCM đã đầu tư gần 2.800 tỉ đồng (trong đó Vương quốc Bỉ cho vay ưu đãi 76 triệu euro). Luồng sông nạo vét dài khoảng 54 km, bắt đầu từ Khu công nghiệp Hiệp Phước ra cửa biển Cần Giờ với khối lượng nạo vét khoảng 11,5 triệu m3 bùn, cát. Theo kế hoạch, luồng Soài Rạp sẽ tiếp tục được nạo vét sâu đến -12 m để đón được tàu 70.000 tấn.

Ngày 18-4, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân có thông báo khẩn, chấp thuận phương án diễn tập đón tàu gần 31.000 tấn vào cập bến ở cảng SPCT thông qua luồng Soài Rạp. Từ đó hoàn thiện phương án đưa tàu trên 51.000 tấn đầu tiên vào cảng SPCT bằng luồng Soài Rạp vào cuối tháng 4-2014 được an toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm