Khan hiếm vé xe Tết các hãng có thương hiệu

Theo lãnh đạo Bến xe Miền Đông (BXMĐ), tính đến ngày 26-1, lượng vé bán ra toàn bến khoảng 80.000 vé. Trong khi đó, tổng lượng vé các doanh nghiệp đăng ký bán phục vụ hành khách dịp Tết 2018 là 170.000 vé. Tuy nhiên, hiện nay hành khách rất khó mua được vé về các tỉnh miền Trung, miền Bắc, nhất là vé giường nằm các hãng xe có thương hiệu.

Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Giám đốc BXMĐ, cho biết hiện có khoảng 40 doanh nghiệp vận tải tại bến đã tiến hành bán vé Tết. Trước việc nhiều hãng xe thương hiệu ngay trong vài ngày đầu mở bán đã khan hiếm vé, ông Huy cho biết vấn đề này phụ thuộc vào năng lực của từng doanh nghiệp, bởi hầu hết các doanh nghiệp vận tải chỉ đầu tư phương tiện phục vụ ngày thường, dẫn đến khó đáp ứng nhu cầu cùng lúc của người mua dồn vào dịp Tết. “Hiện lượng vé còn nhiều nhưng chủ yếu là vé ngồi. Các doanh nghiệp cũng đang thuê xe ngoài để vào đưa rước khách” - ông Huy cho biết.

Cũng theo ông Huy, hiện một số hãng xe lớn như Phương Trang, Chín Nghĩa, Thuận Thảo... đã thuê xe bên ngoài để tăng cường trong dịp cao điểm Tết. Riêng Công ty Phương Trang đã có phương án huy động thêm phương tiện tại các chặng từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây qua các tuyến miền Đông để phục vụ nhu cầu của hành khách trong thời gian cao điểm.

Hành khách mua vé xe chất lượng cao về miền Trung tại Bến xe Miền Đông. Ảnh: LƯU ĐỨC

Đại diện BXMĐ cũng cho biết dịp Tết nguyên đán năm 2018, giá vé phụ thu tăng 20%-60% các tuyến từ TP.HCM đi các tỉnh.

Trong khi đó, đại diện Bến xe Miền Tây cho biết do đặc thù là các chặng đường ngắn và hành khách chủ yếu tập trung vào thời điểm cận Tết nên đến nay Bến xe Miền Tây hoạt động bình thường, khách tăng không đáng kể. Đại diện bến xe này cho biết đợt cao điểm sẽ bắt đầu từ ngày 27 tới 30 tháng Chạp, bến xe này sẽ tổ chức bán vé và phục vụ hành khách 24/24 giờ.

Còn về giá vé, lãnh đạo Bến xe Miền Tây thông tin sẽ áp dụng tăng 40% so với ngày thường. Riêng những tuyến đường có cự ly dài, giá vé tăng cao nhất 60%, áp dụng trong sáu ngày, từ ngày 12 đến 17-2-2018 (tức ngày 27 tháng Chạp năm Đinh Dậu đến mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất).

Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm nói rõ Sở không cho phụ thu 20%, 40% và 60% nhưng sẽ xem xét kỹ bản kê khai tăng giá của các hãng. “Lưu lượng khách đi khỏi TP tăng nhưng đi vào TP dịp Tết giảm là yếu tố cấu thành giá dịch vụ vận tải của một vòng quay xe (gồm cả chiều vào và ra). Do đó các hãng phải kê khai, thuyết trình rõ lượng khách ở đầu vào rỗng bao nhiêu phần trăm thì sẽ cho phép tăng tương ứng ở đầu ra để bù chiều chạy rỗng” - ông Lâm nói.

Lâm Đồng: Vé xe Tết tăng tối đa 60%

Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết UBND tỉnh vừa chấp thuận mức tăng giá cước vận tải hành khách bằng ô tô đối với các nhà xe chạy tuyến cố định trong dịp Tết Nguyên đán 2018; mức tăng dao động 40%-60% tùy tuyến. Theo đó, các tuyến liên tỉnh xuất phát từ Lâm Đồng đến các tỉnh từ Bình Định trở ra miền Trung, miền Bắc mức phụ thu tối đa không quá 60% giá vé hiện tại. Đối với tuyến đi các tỉnh Tây Nguyên, TP.HCM và những tỉnh còn lại, mức phụ thu không quá 40% giá cước hiện tại.

Còn hơn 8.000 vé tàu Tết TP.HCM đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc

Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, hiện nay công ty đang còn nhiều vé đi/đến tất cả các ga trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, chủ yếu là các ngày trước 23 tháng Chạp, ngày 29 tháng Chạp và sau Tết âm lịch. Trong đó, còn hơn 8.000 chỗ có ga đi Sài Gòn, Biên Hòa, ga đến từ Nha Trang đến Hà Nội vào thời gian trước Tết, từ ngày 20 đến 23 và 29 tháng Chạp.

Tăng 3.000 chuyến bay

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Việt Nam đăng ký lịch bay tăng gần 3.000 chuyến và 582.000 ghế so với lịch bay thường lệ trên 22 đường bay đi/đến 18 cảng hàng không, sân bay nội địa. Cụ thể, các tuyến có số lượng chuyến bay và ghế cung ứng tăng cao bao gồm: Nội Bài-Tân Sơn Nhất, Tân Sơn Nhất-Phú Bài, Tân Sơn Nhất-Cam Ranh, Tân Sơn Nhất-Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất-Vinh...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới