Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Khánh Hòa cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa tỉnh Khánh Hòa có ba tuyến cao tốc.
Cơ sở để phát triển hạ tầng giao thông
Ba dự án cao tốc xây dựng trên địa phận Khánh Hòa gồm dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông dài 138 km, dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột dài 117,5 km và cao tốc Nha Trang – Liên Khương dài 85 km.
|
Sơ đồ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuộc đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: SỞ GTVT. |
Hai dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông và Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột triển khai thi công trong giai đoạn trước 2030. Riêng cao tốc Nha Trang – Liên Khương sẽ được đầu tư sau năm 2030.
Theo Sở GTVT, cao tốc Bắc – Nam phía đông gồm ba dự án thành phần. Trong đó, hai dự án thành phần là đoạn Nha Trang – Cam Lâm và Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc giai đoạn 2017 – 2020 đang thi công.
Dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm dài khoảng 49,1 km đi qua các huyện Diên Khánh, Cam Lâm và TP Cam Ranh. Tổng mức đầu tư khoảng 7.615 tỉ đồng được thi công từ tháng 9-2021. Đến nay, sản lượng thực hiện đạt hơn 36% giá trị hợp đồng. Nhà thầu đang triển khai 60 mũi thi công với kế hoạch hoàn thành dự án trong tháng 9-2023.
Dự án thành phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, chiều dài đi qua địa phận tỉnh Khánh Hòa khoảng 5 km. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 100%, đáp ứng được yêu cầu không gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công của toàn tuyến cao tốc.
Dự án thành phần đoạn Vân Phong – Nha Trang thuộc giai đoạn 2021 – 2025 có chiều dài 84 km. Điểm đầu là nút giao đầu hầm Cổ Mã, huyện Vạn Ninh và nút cuối giao với quốc lộ 27C huyện Diên Khánh. Dự án có vận tốc thiết kế 100 – 120 km/h, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỉ đồng. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào tháng 12-2022 và hoàn thành trong năm 2025.
Đối với cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột giai đoạn 1, dự án dự kiến sẽ được khởi công trước ngày 30-11-2023 và hoàn thành trong tháng 12-2026. Dự án có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỉ đồng, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột có điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B và quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị trấn Ninh Hòa (Khánh Hòa). Điểm cuối giao cắt tại đường Hồ Chí Minh tránh phía đông TP Buôn Mê thuột (Đắk Lắk). Đoạn đi qua tỉnh Khánh Hòa dài 33,2 km.
Ông Nguyễn Thanh Hiến, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, cho biết các tuyến cao tốc qua địa bàn đặc biệt quan trọng đối với tỉnh. Đây là cơ sở để triển khai hạ tầng giao thông và định hướng phát triển của tỉnh theo Nghị quyết 09.
|
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đoạn qua địa phận TP Cam Ranh vào tháng 5-2022. Ảnh: HH. |
Sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết triển khai, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư tiếp theo của cơ quan chủ quản, xây dựng kế hoạch triển khai tổng thể để thực hiện dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ, Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng Chính có chỉ đạo các Bộ ngành liên quan hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan đến chỉ định thầu theo cơ chế cho phép áp dụng để thực hiện dự án.
Xây dựng kế hoạch về tiến độ triển khai giải phóng mặt bằng
Ông Nguyễn Thanh Hiến cho biết đối với cao tốc Vân Phong – Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sẽ là đầu mối thực hiện giải phóng mặt bằng. Toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công của Bộ GTVT.
Về dự án Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết cam kết phân bổ 348,5 tỉ đồng (ngân sách địa phương) đảm bảo 50% kinh phí giải phóng mặt bằng. Phần còn lại là nguồn vốn từ kế hoạch trung hạn của Trung ương.
|
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông qua tỉnh Khánh Hòa dài 138 km. Ảnh: SỞ GTVT. |
Theo Sở GTVT, dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột sẽ chiếm dụng khoảng 345 ha đất, ảnh hưởng đến 364 hộ dân và số hộ tái định cư khoảng 280 hộ.
Dự án Vân Phong – Nha Trang có tổng diện tích giải phóng mặt bằng theo quy hoạch là 625 ha. Dự kiến nhu cầu tái định cư, di dời nhà của khoảng 626 trường hợp.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu các địa phương cần ban hành nghị quyết chuyên đề về triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc đi qua địa bàn, tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, triển khai dự án.
Các địa phương có dự án đi qua như thị xã Ninh Hòa, Vạn Ninh, huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh khẩn trương rà soát, kiểm đếm, xác định chính xác số lượng dân cư phải bố trí tái định cư; xây dựng các phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư phù hợp với thực tế.
Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các sở ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch về tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc.