Chiều 3-8, UBND TP Hội An (Quảng Nam) tổ chức lễ khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều).
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu khởi công vào ngày 28-12-2022, với tổng kinh phí hơn 20,2 tỉ đồng. Sau 19 tháng nỗ lực, dự án đã hoàn thiện và đưa vào phục vụ du khách.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hoá Hội An, hình dáng của kiến trúc, cấu trúc của Chùa Cầu, từ tổng thể đến chi tiết được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Hình thái kiến trúc Chùa Cầu sau khi tu bổ hầu như không thay đổi, từ nét uốn cong mềm mại, uyển chuyển của của diềm mái, lan can, sàn cầu.
Chùa Cầu sau khi tu bổ được bảo tồn tối đa các giá trị nguyên gốc. Trong sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể.
Quá trình trùng tu đã giữ lại gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% ngói, 80% đĩa cổ, 35% số con giống trang trí bờ mái, phục hồi các cấu kiện đá nền bị chôn dưới lớp nền hiện trạng… tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.
Sau trùng tu, di tích Chùa Cầu đã được khắc phục gần như triệt để các khiếm khuyết, gia cường đáng kể sự chắc chắn, đảm bảo sự ổn định, bền vững để tiếp tục trường tồn cùng di sản văn hóa Hội An.
Bên cạnh bảo tồn, giữ gìn giá trị di tích, dự án cũng đã thực hiện đồng bộ việc đầu tư nâng cấp hạ tầng cảnh quan, môi trường xung quanh cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an ninh, an toàn và phục vụ phát huy hiệu quả, lâu dài giá trị di tích.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho hay đây là lần đầu tiên di tích Chùa Cầu được “giải phẫu mở”, thực hiện giữa lòng đô thị di sản du lịch nhộn nhịp. Sau 19 tháng thi công, dự án đã hoàn thành bài bản, khoa học.
“Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã đạt được những thành quả tốt đẹp như mong đợi, bảo tồn tối đa các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hoá của di tích, đáp ứng sự mong đợi của những ai yêu mến và trân quý công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt này” - ông Sơn nói.
Theo ông Phan Thái Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam, đánh giá quá trình trùng tu Chùa Cầu được UBND TP Hội An tiến hành rất kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý.
Ông cho rằng có nhiều ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu Chùa Cầu là việc rất bình thường, qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến Chùa Cầu, Hội An.
Phó Chủ tịch Quảng Nam khẳng định ngành văn hoá, TP Hội An và lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị lắng nghe, tiếp thu, tham khảo để công tác trùng tu các di tích, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tốt hơn.
“Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương mọi sự đóng góp của tất cả các tổ chức, cá nhân, các nghệ nhân đã tham gia dự án tu bổ di tích Chùa Cầu trong thời gian qua.
Xin chân thành cảm ơn các bạn Nhật Bản đã quan tâm, tư vấn hiệu quả cho dự án; góp phần làm cho mối quan hệ giao lưu, hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung, Hội An - Nhật Bản nói riêng đã được gắn bó trong quá khứ trở nên bền chặt trong hiện tại và ngày càng tươi đẹp trong tương lai” - ông Bình nói.