Trùng tu Chùa Cầu: Cần đảm bảo tính chân xác

(PLO)- Nhiều bạn đọc cho rằng việc trùng tu Chùa Cầu là cần thiết để bảo tồn; quan trọng là việc trùng tu phải giữ được vẻ nguyên bản của di tích này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, hình ảnh Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều – biểu tượng của TP Hội An, Quảng Nam) mang diện mạo mới mẻ, bớt đi vẻ cổ kính đã nhận về nhiều sự quan tâm của dư luận cả nước.

Trước thông tin trên, nhiều bạn đọc đồng tình vì công trình dù mang diện mạo mới nhưng vẫn giữ được nguyên bản về kiến trúc, giữ được hồn cốt của di sản.

Trùng tu chùa Cầu là hợp lý!

Đồng tình với phương án tu sửa của Chùa Cầu, bạn đọc Viết Nam bày tỏ: “Cách đây 20 năm tôi có đến Hội An du lịch và đi qua Chùa Cầu nhưng không dám vào vì ọp ẹp. Sau khi tu sửa đã chỉnh tề, khang trang hơn, rất vui mừng cho TP Hội An.

Tôi đang sinh sống tại Schmalkalden, ở đây có hơn 100 ngôi nhà gỗ cổ có tuổi đời khoảng 300-400 năm. Khi trùng tu đã phải hạ giải tất cả, thay thế toàn bộ khung gỗ, gia cố phần mái và sàn nhà bằng vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường. Phía bên ngoài giữ nguyên màu sắc cũ, chỉ thay đổi sửa chữa công năng sử dụng bên trong. Gỗ thông sử dụng được ngâm tẩm trong dầu và tùng bách được xử lý bằng công nghệ tiên tiến nhất có thể tồn tại 100 năm".

Còn theo bạn đọc Phương Lê: “Có lẽ người ta đã quen với cái cũ nên khi trùng tu, dù đã cố gắng làm gần giống so với bản gốc vẫn nhận về ý kiến trái chiều.

Ở khía cạnh khác, vấn đề quan trọng là sau trùng tu vẫn giữ được nguyên bản về thiết kế và đảm bảo chất lượng lâu nhất có thể chứ không phải chỉ chăm chăm chờ cho công trình "xuống màu" để giống lúc trước. Các ngôi đền, chùa, lâu đài ở Nhật Bản thường được giữ gìn sạch sẽ, mới cứng mà có ai có ý kiến gì đâu”.

Nói về vấn đề trùng tu chùa Cầu, bạn đọc Nhật Tân cho rằng: “Nhiều công trình ở Việt Nam có rêu phong, mốc là do không được trùng tu, bảo dưỡng thường xuyên nên chất lượng xuống cấp nhanh, có thể sập đổ qua thời gian.

Các công trình cổ ở trên thế giới như tháp, chùa, đền, thành, lâu đài cổ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Châu Âu đều mang màu sắc mới, sáng đẹp, không hề có rêu mốc do được bảo dưỡng thường xuyên. Vì vậy công trình tồn tại rất lâu, trở thành di sản ngàn đời”.

Nhiều nỗ lực trong việc giữ lại yếu tố gốc

Trao đổi với PV, ThS-KTS Nguyễn Trần Trọng Nghĩa (TP.HCM), cho biết những hình ảnh, thông tin về diện mạo mới của Chùa Cầu cho thấy công trình trùng tu đạt kết quả tốt. Đồng thời, dự án trùng tu Chùa Cầu lần này là sự đổi mới khi người dân được chứng kiến mọi quá trình diễn ra trong công trường và chính công trường cũng được “bảo vệ” trong một khối nhà tiền chế, giúp đảm bảo các cấu kiện không bị hư hại trong quá trình trùng tu.

KTS Nghĩa cho biết thêm, riêng đối với hình thức trùng tu hạ giải, đây không phải lần đầu tiên có một di tích được hạ giải toàn bộ ở Việt Nam. Trước đó, cũng trong khu vực miền Trung, hệ thống di tích Huế đã được trùng tu theo cách này từ những năm 90 với các công trình nổi bật như: Sùng Ân Điện, Minh Lâu, lăng vua Minh Mạng... Các công trình được thực hiện những năm đó ở Huế phần lớn vẫn còn tốt và đảm bảo sự chân xác của di tích.

"Cần nhìn nhận vấn đề một cách công tâm rằng các di tích có cấu trúc bằng gỗ ở các nước Á Đông, có khí hậu nóng ẩm mưa nhiều như Việt Nam khi trải qua một thời gian dài chưa được duy tu bảo dưỡng thì dễ dẫn tới hiện tượng mục rỗng từ sâu trong các cấu kiện. Do đó, chính việc hạ giải công trình xuống đã giúp “chẩn đoán bệnh” một cách chi tiết để cứu vãn di tích kịp thời", KTS Nghĩa đánh giá.

Nói về sự thay đổi trước và sau khi trùng tu, KTS Nghĩa cho rằng qua đánh giá trực quan, nhận thấy không có quá nhiều sự sai khác. Đối với việc sắp xếp lắp ráp các cấu kiện gỗ trở lại di tích sau khi hạ giải, có thể thấy các cấu kiện có đánh số tỉ mỉ từ trước để đảm bảo vẫn ở nguyên vị trí đối với cấu kiện còn tốt.

Đồng thời, các cấu kiện mới không đánh số dùng để thay thế các cấu kiện mục nát được hoàn thiện màu sắc dễ phân biệt với các cấu kiện gốc khác. Đây là điều đáng khen ngợi ở dự án trùng tu, cho thấy nỗ lực giữ lại yếu tố gốc như thế nào của các chuyên gia.

Ngoài ra, một số cấu kiện hư hại một phần được thay thế và ghép nối hoàn thiện bằng phần gỗ mới vẫn thể hiện rõ phần cũ - mới giao nhau chứ không che lấp bằng nước sơn hoàn thiện, cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận trong việc đảm bảo yếu tố gốc.

Đối với phần mái ngói, KTS Nghĩa cho rằng, quá trình trùng tu đã có công tác phân loại và tái sử dụng các viên ngói gốc vẫn còn tốt và lợp lại với quy cách lợp mái y hệt trước đó. Các trang trí bờ nóc mái cũng là điểm mới khi đã trả lại hình dạng nguyên bản và màu sắc gốc tương đồng với các công trình tín ngưỡng khác tại Hội An.

"Các dự án trùng tu về sau nên có phương án mở cửa cho công chúng theo dõi quá trình trùng tu, truyền thông rộng rãi để người dân có cái nhìn tích cực hơn về công tác trùng tu di tích của nước nhà", KTS Nghĩa kiến nghị.

trùng tu chùa Cầu
Hình ảnh chùa Cầu sau khi trùng tu nhận về sự quan tâm của bạn đọc. Ảnh: THANH NHẬT.

Xuyên tạc thông tin sai sự thật có thể bị phạt đến 20 triệu đồng

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh cho rằng Chùa Cầu có nhiều chi tiết không giống với thời điểm trước trùng tu. Cụ thể tài khoản Facebook trên đặt nghi vấn “mất cắp khi bảo tồn” vì trên mái ngói có nhiều đĩa mới.

Sau đó, lãnh đạo TP Hội An cho biết đây là hình ảnh đã bị chỉnh sửa, thông tin sai sự thật.

trùng tu chùa Cầu
Lãnh đạo TP Hội An khẳng định hình ảnh này là xuyên tạc, vu khống. Ảnh: Facebook

Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết tại Điều 101 Nghị định 15/2020 (được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022) quy định hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với tổ chức.

Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về tội vu khống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm