Khép kín các công trình thủy lợi ở Bến Tre

Trong 5 năm trở lại đây, ĐBSCL xuất hiện hai đợt xâm nhập mặn cao nhất lịch sử. Đó là đợt xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016 và mùa khô năm 2019-2020. Các đợt xâm mặn này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh ở 10/13 tỉnh, thành ĐBSCL. Trong đó, Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của xâm nhập mặn.  

Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, cử tri ở Bến Tre lo lắng hạn hán xâm nhập mặn khiến sản xuất, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. 

Cử tri bày tỏ dù chính quyền địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm ngăn mặn, trữ ngọt đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân như: hỗ trợ nhiều bồn chứa nước, máy lọc mặn để cấp phát cho người dân gặp khó khăn… từ đó đã giúp giải quyết phần nào nước sinh hoạt.

Một trong những công trình thủy lợi cống ngăn mặn được đầu tư quy mô tại Bến Tre. Ảnh: Đ.HÀ

Tuy nhiên về lâu dài cử tri tỉnh Bến Tre đề nghị cần xem xét triển khai xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ các tỉnh lân cận về Bến Tre. Theo cử tri, việc xây đập ngăn mặn trên sông Ba Lai chưa phát huy hiệu quả.

Đồng thời cử tri kiến nghị các ngành chức năng kiểm tra khảo sát, xây dựng các tuyến đê bao, hoàn thiện âu thuyền Giao Hòa – An Hóa đảm bảo ngăn mặn hiệu quả, phục vụ tốt cho sản xuất và định hướng cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp hạn mặn hiện nay.

Vừa qua, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre được Ban Dân nguyện (Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) chuyển đến, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cho hay: Hiện tại hai dự án hoàn thiện hệ thống thủy lợi Nam- Bắc Bến Tre giai đoạn 2 đã được Bộ NN&PTNT tổng hợp trình Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện bước chuẩn bị đầu tư. Qua đó, bộ đánh giá sự cần thiết cho một số công trình, hệ thống công trình thủy lợi lớn có tính chất liên vùng, liên tỉnh.

“Sau khi được Thủ tướng xem xét đồng ý, Bộ NN&PTNT sẽ giao các đơn vị, chức năng thuộc bộ, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện. Khi đó việc thực hiện các nội dung theo kiến nghị của cử tri sẽ được xem xét, tính toán và giải quyết trong giai đoạn 2021-2025.” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời cử tri.  

Cụ thể, theo Bộ NN&PTNT, công trình cống âu thuyền Giao Hòa – An Hóa đã nằm trong dự án quản lý nước Bến Tre – Jica3 đang triển khai thực hiện và dự kiến hoàn thành năm 2023.

Riêng việc xây dựng cá tuyến đê bao, bộ sẽ nghiên cứu tính toán xác định các tuyến đê bao cần thiết đầu tư trong quá trình lựa chọn các hạng mục đầu tư giai đoạn 2021-2025.

Đối với hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ các tỉnh lân cận về Bến Tre,  Bộ NN&PTNT nêu rõ: Sau khi hoàn thành các hệ thống thủy lợi Nam – Bắc Bến Tre giai đoạn 2 trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ NN&PTNT sẽ đảm bảo khép kín và kiểm soát mặn cho 2 hệ thống Nam- Bắc Bến Tre và hồ chứa nước ngọt sông Ba Lai. Khi đó cơ bản sẽ giải quyết được vấn đề đảo bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong vùng khi xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo đó, hạn mặn mùa khô 2019-2020 đã gây ra thiệt hại rất lớn đối với kinh tế, xã hội của tỉnh Bến Tre. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp thủy sản có gần 28.000 ha cây ăn trái; 1,2 triệu hoa kiểng các loại, 600 ha cây giống tại huyện Chợ Lách; 168 ha hoa mùa; trên 3.000 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại và ảnh hưởng tổng giá trị thiệt hại đến nay khoảng 1.660 tỉ dồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới