Sự kiện những cậu bé lớp 1B vô địch khối lớp của mình ở trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Quận 7) là một câu chuyện vui của các phụ huynh suốt cả ngày.
Thầy Sang phụ trách Giáo dục thể chất của trường kể: “Ngoài những lớp bóng đá cho các em yêu thích sau mỗi buổi học, mỗi năm gần đến kỳ nghỉ hè, trường đều tổ chức các giải đấu theo từng khối lớp cho các em vui chơi thỏa niềm đam mê. Qua đó, chúng tôi cũng chọn lọc những cháu chơi bóng giỏi tuyển vào đội tuyển trường du đấu với các trường khác ở TP.HCM. Từ những trận đấu ấy, chúng tôi nhìn ra nhiều cháu có năng khiếu để đầu tư thêm hoặc phối hợp với các “lò” đào tạo chuyên nghiệp giúp các cháu phát triển hơn”.
Chị Bảo Khuyên, phụ huynh cháu Hải Đăng chia sẻ: “Mình vốn không quan tâm đến bóng đá nhưng từ khi con tham gia vào đội tuyển của lớp, mình yêu bóng đá lúc nào không hay. Con trai mình mê đá bóng đến nỗi đi ngủ cũng ôm theo quả bóng. Mình hay dặn con sau này không nhất thiết phải trở thành cầu thủ giỏi, chỉ cần con tập cho khỏe mạnh, chơi bóng trung thực và Fair Play với các bạn là tốt rồi”.
Chỉ là một giải đấu cấp trường nhằm rèn luyện thể chất cho các bé, thế mà vẫn xôm tụ ra trò. Một lần các bạn nhỏ ra sân cũng đồng nghĩa với cả nhà cùng thầy cô ra sân với lỉnh kỉnh nào là nước, sữa, bánh, trái cây,…
Chỉ mỗi chuyện mua sắm đồng phục thi đấu cũng đủ mướt mồ hôi hột với các cầu thủ nhí. Bạn thì đòi mua áo đấu của Real Madrid, bạn thích Bayern Munich, bạn thần tượng Messi của Barcelona cứ nằng nặc đòi mặc áo số 10.
Mỗi trận đấu là những tiếng cười giòn tan không ngưng nghỉ. Đến cả trọng tài có lúc cũng hốt hoảng vì cầu thủ đang đá bỗng dưng nằm lăn ra sân khóc inh ỏi. Trận đấu phải tạm dừng để… phụ huynh vào sân săn sóc cầu thủ. Hỏi ra mới biết một bạn nhỏ bị huấn luyện viên thay người nên tủi thân thì khóc chơi thế thôi.
Còn chuyện chân sút nổi tiếng Suarez của Uruguay đang đá bóng trên sân lại xin trọng tài đi… tè như một sự cố hy hữu trên thế giới thì giải đấu ở trường Lương Thế Vinh là bình thường.
Trước trận chung kết, bạn Hải Đăng còn xin bố mẹ… xuống tóc với mốt chữ V hai bên thái dương được bạn ấy giải thích là biểu tượng Victory (chiến thắng). Cô Diễm chủ nhiệm còn hứa nếu vô địch sẽ thưởng cho mỗi bạn hai cục nam châm giá 6 ngàn đồng làm đồ dùng học tập và một chầu kem, cá viên chiên xả láng.
Trận đấu căng như dây đàn. Huấn luyện viên Võ Thủy hò hét lạc cả giọng mà không chắc cầu thủ trên sân đã nghe vì quá tập trung. Mặc kệ! Nếu như hai chuyên gia của Real Madrid là Ronaldo và Gareth Bale có khi còn tranh nhau sút phạt đến nỗi gây gổ nhau thì hai bạn Phúc Ân và Việt Anh chơi đẹp hơn với trò… oẳn tủ tì xem ai sút phạt.
1B đăng quang nghẹt thở sau 30 phút quần thảo mệt lử thắng 1D 2-0! Thầy Bảo, thầy Sang, thầy Lộc hò hét mãi, các nhà vô địch mới chịu đứng yên cho chụp hình.
Những bạn nhỏ ngây thơ nâng chiếc cúp nhựa và đeo huy chương vàng lòng thòng chạy vòng vòng quanh sân bóng cười tít mắt hồn nhiên cứ như vừa vô địch thế giới. Cô Diễm còn chơi sang cho mỗi nhà vô địch một đặc ân mang cúp vàng về nhà đi khoe với bạn bè.
Còn tôi thì cứ thầm nghĩ biết đâu cái mảnh sân cỏ nhân tạo phía sau trường Lương Thế Vinh ấy chính là vườn ươm mầm cho những tài năng tương lai của bóng đá Việt Nam…
Các trường học công hay tư ở TP.HCM đều thua xa những trường học quốc tế luôn chú trọng cho học sinh chơi thể thao, đặc biệt là bóng đá. Ở mình khác hẳn với các nước đang phát triển bóng đá như Thái Lan, càng không thể so sánh với tốp đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc bắt buộc mỗi trường học phải có sân bóng đá. Hàng năm, họ thường tổ chức các giải bóng đá học sinh, sinh viên theo hệ thống thi đấu cấp quốc gia hẳn hoi. Cứ xem các đội tuyển sinh viên Hàn, Nhật đá trên chân đội tuyển quốc gia thì hiểu đẳng cấp của họ ở đâu?”. |