“Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa, đừng buồn nữa. Ba mẹ đi rồi cũng về với anh em con thôi. Mẹ đi rồi, anh em con vẫn vui vì có bà ngoại và dì rồi. Nhưng mà mẹ đừng yêu người khác, chỉ yêu anh em con và yêu mình ba thôi nha”...
. Nghe con trai nói, H. - người mẹ trẻ đang chịu án bảy năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy nhưng được tạm hoãn thi hành án do có con nhỏ đã phải quay mặt đi để đứa trẻ không biết mình đang khóc.
H. và chồng trước đây làm nghề sửa chữa, mua bán điện thoại. Công việc đang ăn nên làm ra thì người chồng bị nghiện rồi sa đà vào việc mua bán trái phép chất ma túy. H. sinh con mới bốn tháng, chồng rủ rê đi theo. Rồi cả hai bị bắt, lần lượt bị phạt từ bảy đến 10 năm tù.
Khi con gái nhỏ được 36 tháng tuổi, H. sẽ phải đi chấp hành án. Từ nay đến lúc đó sẽ còn hơn một năm nữa nhưng với người mẹ ấy, nó dường như quá ngắn. “Bây giờ em chỉ ước một ngày sẽ có 48 tiếng để mình được ở bên các con nhiều hơn. Có thời gian đưa các con đi chơi, làm việc kiếm tiền để dành khi không có mình ở bên, bà ngoại còn có tiền cho hai đứa nó đi học. Nhiều khi chở con ra đường, nhìn những cặp vợ chồng chở con đi chơi, cười nói, vui đùa, quan tâm nhau mà thương chúng lắm”.
Mỗi lần nhìn những nét ngây thơ của con, H. đều hối hận về sai lầm của mình. Ảnh: N.THÂN (Ảnh đã được gia đình bé đồng ý cho sử dụng đăng báo).
H. khoe mỗi một ngày đi làm tiết kiệm được 200.000 đồng bỏ vào tài khoản ngân hàng cho các con. “Bé nhỏ con em được 19 tháng rồi. Con được hai tuổi, em mang đi gửi nhà trẻ rồi mở tiệm bán điện thoại lại, đêm đến sẽ mở quán bán cháo thì sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Em chỉ mong hơn một năm được hoãn thi hành án sẽ lo đủ tiền học cho chúng trong vòng bảy năm mình ngồi tù”.
Đang nói chuyện, nhìn các con vui vẻ chơi với nhau, mắt H. lại ngân ngấn: “Thằng anh mới năm tuổi đã biết được ba mẹ đi tù rồi nhưng có ai hỏi thì vẫn nói dối ba con đi làm. Đứa em còn nhỏ, mỗi lần hỏi ba đâu, nó đưa tay chỉ lên gác nói “ba trên gác, gác gác”. Có lẽ khi đi thụ án em sẽ nhớ anh em nó lắm. Lần trước bị bắt tạm giam có mấy ngày, nhớ con ngày nào em cũng khóc. Lúc đó em cứ nhớ đến hình ảnh thằng anh thấy ba mẹ bị công an bắt đi, nó chạy đến ôm chân mấy chú công an không cho đi rồi khóc nói “đừng bắt ba của con”.
“Lần trước đi thăm ba, thằng bé lấy cây viết và tờ giấy ra vẽ vẽ rồi nói: “Ba ơi, con vẽ hình mình trong giấy đó, khi nào nhớ con ba lấy ra xem nha”. Quay ra, nó kêu: “Mẹ đừng buồn, đừng khóc, ba đi làm rồi sẽ về à. Mẹ ráng chờ ba về đó nha. Mẹ đừng lấy ai đó nghe không”” - kể đến đây, H. gạt nước mắt, lắc đầu bật cười.
“Thương con, nhiều lúc em giận mình, giận chồng quá. Lỡ lầm có hối hận cũng đã muộn rồi, chỉ mong sao lúc em vào tù, ở nhà có bà ngoại và chị gái em nuôi hai đứa nhỏ để chúng lớn lên thành người đàng hoàng, lương thiện, tử tế. Em đã chuẩn bị hết giấy tờ rồi, ngày em vào trại, anh em nó sẽ vào thăm dễ hơn. Khi đi học, bà ngoại cũng sẽ không phải lo về việc giấy tờ cho chúng nữa...”.
. Đến nay, khi nhớ lại một vụ ly hôn mà người chồng đang đi tù, đứa con mới sáu tuổi nhưng người vợ vẫn cương quyết chia tay để đi bước nữa dù người chồng tìm mọi cách năn nỉ, thẩm phán Lâm Thị Thu Lan (Phó Chánh án TAND quận 9, TP.HCM) vẫn thấy lòng nặng trĩu.
Chị kể: “Nhận được đơn thư, biết được hoàn cảnh của các đương sự, lòng tôi cứ nhoi nhói. Hình ảnh một thằng bé sáu tuổi lẽo đẽo theo nội vào trại thăm ba, rồi hình ảnh người chồng nhìn thấy vợ cứ lóng nga lóng ngóng không dám đến gần đã thôi thúc tôi quyết định làm cầu nối hàn gắn gia đình họ”.
Chị nghĩ đến đứa trẻ thương ba, nhớ ba mà chẳng dám đòi mẹ cho đi thăm, chỉ biết chờ ngày nội đi thăm ba rồi năn nỉ mẹ cho đi theo. Đến trại giam, thằng bé cũng chỉ biết đứng lấp ló ngoài cổng, không dám đến ôm ba, chỉ cho đến khi được cán bộ trại dẫn vào, em mới bẽn lẽn đến ôm ba khóc nức nở, nói “con nhớ ba”. Chị tin rằng một người có lỗi lầm, phải đi tù nhưng vẫn yêu thương con, biết lo cho cuộc sống gia đình. Hơn nữa, vì muốn người vợ nhìn thấy sự chân tình của chồng mà rút đơn, chị đã tổ chức một buổi hòa giải hai vợ chồng họ ngay trong trại giam.
“Hôm đó, tôi đã nói hết nước hết cái, từ chuyện đứa con còn nhỏ, tình cảm gia đình trước đây cũng như sự yêu thương, chân tình của người chồng đến cả chuyện người chồng sắp ra tù để thuyết phục người vợ rút đơn. Nhưng người vợ rất cương quyết, dù người chồng đã quỳ xuống năn nỉ. Anh ấy còn đưa cho vợ những món quà tự tay làm, những lá thư tự tay viết nói về tâm tư, tình cảm và những dự định rằng ngày ra tù sẽ làm gì, lo gì cho vợ con. Nhưng người vợ cầm lấy và quẳng hết xuống đất”.
Nhìn cái cảnh vợ chồng họ như vậy, chị buồn lắm. “Tôi cứ đặt ra câu hỏi tại sao nhiều người lớn không biết nghĩ gì cho con, tại sao họ không hiểu rằng chính con cái đã phải chịu thiệt thòi vì cha mẹ. Giá như trước khi làm gì, người lớn chúng ta đều biết quay đầu lại mà nghĩ tới con trẻ thì chắc rằng nhiều sai lầm, nhiều bi kịch đã không xảy ra”.
Trầm ngâm một lúc, chị ngậm ngùi kể tiếp: “Ngày đó hòa giải không thành, ra đến cổng trại, thấy đứa nhỏ cùng bà nội đang lủi thủi đi vào thăm ba, tôi thương lắm. Tôi vẫn mong sao sau này đứa bé lớn lên sẽ là một người tốt, sẽ hiểu, thông cảm cho hoàn cảnh của cha mẹ nó và người cha sẽ cải tạo tốt, sẽ sớm ra tù để về nuôi con”.
NGỌC THÂN