Khi cha mẹ đi tù - Bài 1: “Ba của ai, mẹ của ai?”

 “Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống ba. Cả nhà ta cùng thương yêu nhau. Xa là nhớ, gần nhau là cười”… Em mới hai tuổi rưỡi nhưng mỗi khi nghe bà nội nhắc “hát cho nội nghe đi con” là đã biết đứng hát rành rọt bài “Cả nhà thương nhau” không thiếu một từ nào. Em không chỉ thích hát bài ấy mà có thói quen mỗi khi có người lạ vào nhà chơi hay ra đường gặp người lớn đều ngây ngô giương cái miệng nhỏ xíu lên hỏi: “Ba của ai, mẹ của ai?”…

“Ba mẹ con đi làm ở Sài Gòn rồi”

Em tên là HBK. Cha của em đang chịu án bốn năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Mẹ của em cũng đang chịu án chín năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Cha mẹ của em sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 2012, khi cha em bị bắt, em mới sinh chưa tròn tháng. Không chịu được cảnh chồng tù tội rồi phải nuôi con thơ một mình, mẹ em làm thủ tục cho con để đi theo người khác. Thương cháu, bà nội em đã kịp thời ngăn chặn và đón em về nuôi.

Khi K. được chín tháng, mẹ em trở về xin lỗi mẹ chồng để được nuôi con và hứa sẽ không bỏ đi nữa. Thế nhưng về với K. chưa tròn tháng, mẹ em lại bị công an bắt vì đã từng cùng người tình đi buôn ma túy. Từ đó, bà nội vừa làm bà, vừa làm cha, làm mẹ của em.

Bà nội kể mỗi lần nói chuyện về ba mẹ là K. vui lắm, đang khóc em cũng ngừng, cười hớn hở. Ảnh: N.THÂN (Ảnh đã được gia đình em đồng ý cho sử dụng trên báo)

Thấy có người lạ đến, K. ra đứng lủi thủi ở một góc nhà, nghiêng nghiêng cái đầu bé bỏng hỏi: “Ba của ai, mẹ của ai?”. “Không phải đâu con, cô đến nhà mình chơi đó. Cô là khách của nhà mình. Con chào cô đi” - bà nội nhắc. K. vội khoanh tay: “Con chào cô”. Rồi em khoe ngay: “Ba mẹ con đi làm ở Sài Gòn rồi”.

Nói xong, em vừa hát “ba thương con vì con giống mẹ”, vừa lon ton chạy vào phòng lấy bộ quần áo mới ra khoe: “Váy đẹp mẹ mới mua cho con phải không nội”?. Nghe cháu hỏi, người bà rơm rơm nước mắt. “Cái gì trong nhà này nó cũng bảo mẹ mua. Mỗi lần nói chuyện về ba mẹ là nhìn mặt nó vui lắm, đang khóc cũng ngừng, cười hớn hở. Mua cho nó bộ đồ, tui nói dối cái áo này mẹ mua cho con, cái quần mẹ mua cho con, nó hỏi lại “Mẹ mua cho con hả nội?” rồi ôm khư khư. Thấy mấy đứa nhỏ khác có mẹ, nó cũng nói mẹ mẹ. Hay khi thấy mấy em nhỏ khác trong xóm cứ chiều lại mẹ đi làm về thì chạy ra đón, nó cũng bảo ra đón mẹ rồi kêu người ta là mẹ. Cũng may người ta thấy thương nên xưng lại là mẹ với nó”.

Bà kể nhiều lần K. đòi ba mẹ, bà phải nói dối rằng: “Ba mẹ con đang đi làm ở Sài Gòn, xa lắm. Ba mẹ nhớ con lắm. Con chơi ngoan, cuối tháng ba mẹ về thăm con, mua quần áo đẹp cho con”. Vì thế, với K. ba mẹ là người tốt, đang phải đi làm xa. “Tui nói dối để quên nỗi nhớ con và giúp cho cháu có một tuổi thơ đẹp về ba mẹ”.

Đang đứng chơi ngoài sân, thấy bà nội bê chậu quần áo ra phơi, cô bé như một cây nấm nhỏ xíu lẫm chẫm chạy đến thẽ thọt: “Nội xách có nặng không. Nội có mệt không, có cần con giúp gì không”... Rồi em lăng xăng giành lấy từng chiếc móc cho quần áo vào phụ nội phơi đồ. Nhìn cháu, người bà kể chỉ mới hai tuổi rưỡi thôi nhưng em đã biết quan tâm đến nội và đã tỏ ra biết tự lập lắm: “Nghe tui ru ngủ, nó nhắc “Nội ru làm gì, con tự ngủ được rồi””...

Cút côi bà cháu

Bà là giáo viên đã nghỉ hưu, chỉ có mình cha của K. Học đến lớp 11, anh ta giấu bà nghỉ học theo nhóm bạn xấu sử dụng ma túy. Biết chuyện, bà khuyên ngăn con trai thì bị đáp lại: “Con lớn rồi, con có quyền làm những gì mình thích. Mẹ có khuyên thì khuyên ba ấy, suốt ngày chỉ biết rượu chè be bét, chửi vợ mắng con”. Rồi anh ta bắt bà đưa tiền đi mua thuốc sử dụng, không được thì đập phá đồ đạc, lén mang đồ đạc trong nhà đi bán.

Không muốn con trượt dài trên con đường nghiện ngập, bà phải nhờ chính quyền đưa đi cai nghiện. Nhưng hết lần này đến lần khác, cai xong anh ta lại tái nghiện. Năm 2006, anh ta đã bị nhiễm HIV và bị bắt vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Thụ lý xong án tù, về sống với gia đình được mấy tháng, anh ta lại tiếp tục đi theo con đường cũ, lại bị bắt, lại ngồi tù. “Nói thật, nó đi tù dù vắng con, nhớ con, phải vất vả đi thăm nó cực khổ nhưng trong lòng mình thoải mái. Nó ở nhà, phá hết cái này đến cái khác, nói không nghe, bao nhiêu tài sản trong nhà từ từ ra đi vì nó, mình vừa khổ tâm, vừa nơm nớp lo không biết nó có trở lại con đường cũ hay không. Cũng may nó bị nhiễm HIV nhưng K. không bị. Nhưng mà tui buồn lắm, nói cháu mạnh khỏe bình thường nhiều người đâu có tin, ngay cả bà con cũng vậy. Người ta cứ nghĩ rằng cha nó bị nhiễm thì con sẽ bị theo, rồi ghẻ lạnh, xa lánh con bé” - bà ngậm ngùi.

Chồng đã mất vì bệnh tật, vợ chồng con trai đang trong tù, giờ đây nhà chỉ có bà và bé K. lủi thủi với nhau, sống tằn tiện bằng những đồng lương hưu của bà. “Tui chỉ mong mình sẽ sống được 80 tuổi để nuôi cháu đủ 18 tuổi. Nó có thể tự lo được cho mình thì tui ra đi mới thanh thản”. Đưa mắt nhìn K. đang mải miết một mình ngồi chơi dưới nền nhà, bà nói: “Tôi đã dặn dò hàng xóm là sáng ra nếu thấy bên nhà tui không mở cửa sổ thì chạy sang dòm chừng con bé giúp tui. Bởi tui sợ có khi mình nằm ngủ, mình đột tử thì tội nó lắm”.

NGỌC THÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm