Khi đàn bò tót lai ở Ninh Thuận được đổi chủ

Đi qua cầu treo tại thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), men theo lối nhỏ sinh lầy chúng tôi tới trang trại nuôi bò tót F1.
Tại đây ngày 5-10, 10 con bò tót F1 và 1 con F2 đã được Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng bàn giao cho Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình để tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn và khai thác nguồn gien bò tót lai quý hiếm.
Điều đặc biệt khác với những lần trước khi chúng tôi đến đây, những con bò tót F1 không còn vạm vỡ oai vệ giương sừng, sẵn sàng tấn công người lạ nữa, chúng lơ đãng giương mắt nhìn khách, rồi cắm cúi ăn cỏ. Có thể với chúng hiện giờ, được ăn là ưu tiên hàng đầu.

Đàn bò sau vài ngày bàn giao đang được chăm sóc và đang có dấu hiệu phục hồi.

Sau nhiều tháng bị bỏ đói, chỉ được ăn rơm khô một cách hạn chế, đàn bò mấy ngày nay đã được ăn cỏ xanh và thức ăn tinh. Vẫn những con gầy trơ xương ấy, nhưng chúng đã có vẻ nhanh nhẹn hơn, không nằm bẹp dúm dó một chổ, đúng lên không nổi như vài ngày trước đây nữa.

Anh Võ Đăng Khiêm- cán bộ Vườn quốc gia Phước Bình giới thiệu cho chúng tôi về từng ô đang nuôi nhốt các con bò tót lai.
"Mấy ô ngoài là 3 con bò đực và 1 con cái lai F1 thể trạng bình thường. Riêng 2 con đực, 2 con cái gầy còm và 2 con cái F1 gầy yếu, suy dinh dưỡng nhất được nhốt riêng phía trong. Còn 1 con bò lai F2 vì đang mang thai, nên được thả ra cho ăn theo đàn bò người dân. Mấy ngày nay, buổi sáng chúng đã được ăn cỏ tươi rồi bây giờ đang ăn cám và sinh khối bắp, nhân viên vừa cắt cỏ để chiều cho chúng ăn và đang chở thêm rơm khô để bò ăn dặm".
Chỉ tay vào hai con bò lai F1, anh cho biết: hai con bò này đã nhảy đực (giao phối) vào hôm qua, chưa biết kết quả ra sao, nhưng với chúng tôi đấy cũng là tín hiệu đáng mừng. Chúng tôi đang chuẩn bị chuồng để tách ra nuôi riêng theo chế độ đặc biệt, nhất là đối với những con quá yếu. Để cho bò nhanh chóng phục hồi như ban đầu, thời gian ít nhất cũng phải tới 3 tháng. 




Đàn bò sau vài ngày bàn giao đang được chăm sóc và đang có dấu hiệu phục hồi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Vân - giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình cho biết: Ngày 5-10 vừa qua, sau khi tiếp nhận đàn bò tót lai từ dự án của Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình đã triển khai kế hoạch xây dựng đề án để hồi phục và tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn gien bò tót lai quý hiếm này.

Về kinh phí chăm sóc đàn bò, chúng tôi đã xin tạm ứng 100 triệu đồng từ UBND tỉnh Ninh Thuận. Về lâu dài, chúng tôi cũng mong có nhiều đơn vị cá nhân chung tay hỗ trợ cùng đơn vị cố gắng chăm sóc cho đàn bò phục hồi như ban đầu. Chúng tôi dự kiến sẽ nuôi dưỡng đàn bò theo mô hình "bán tự nhiên" với diện tích từ 5-10 ha. Hy vọng thời gian tới sẽ có thế hệ bò lai F2, F3 như người dân địa phương nuôi bò tót lai chăn thả đã làm được.


Con bò tót lai F1 của người dân chăn thả tự nhiên ngoài đồng cỏ.

Hiện tại, Ban giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình đã phân công anh Phạm Ngọc Hoàn - Giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng quốc gia Phước Bình phụ trách, cùng một số nhân viên có kinh nghiệm, có nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc cho đàn bò.


Vườn quốc gia Phước Bình phân công nhân viên chăm sóc bò

Được biết, để tiếp tục nghiên cứu về giống bò lai, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận trình UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt "Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gien cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025", trong đó có dự án "Bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gien bò tót lai F1 giai đoạn 2021-2025".
Sau khi UBND tỉnh Ninh Thuận có quyết định phê duyệt "Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gien cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025" sẽ thành lập hội đồng thẩm định thuyết minh và kinh phí; trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt thuyết minh, kinh phí dự án để triển khai thực hiện. Dự kiến, chương trình sẽ hoàn thành trong tháng 12-2020.
Anh Khoa Danh, một doanh nghiệp làm du lịch tại tỉnh Ninh Thuận cho chúng tôi biết: Trước đây, trang trại bò tót lai này là một trong những điểm đến mà các đoàn du lịch hoặc nghiên cứu không thể bỏ qua khi đến Vườn Quốc gia Phước Bình. Nên khi chứng kiến cảnh bò tót bị gầy trơ xương, nhiều người làm du lịch tỉnh nhà rất xót xa.
Anh chia sẻ: bước đầu anh và một vài cá nhân đã rủ nhau chung tay góp chút ít kinh phí gửi cho Vườn quốc gia Phước Bình để mua thức ăn cho bò ăn. Mong rằng đàn bò sẽ phát triển tốt trở lại để khách du lịch, các em học sinh, những nhà nghiên cứu có điều kiện tham quan, học hỏi, nghiên cứu.

Anh Khoa Danh trao kinh phí hỗ trợ từ một vài cá nhân để mua cỏ cho bò ăn, cho ông Phạm Ngọc Hoàn (phải) - Giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng quốc gia Phước Bình.

Về trưa, từ dãy núi Gia Rích phía Lâm Đồng, trời sầm sập kéo mây đen chuẩn bị mưa, chúng tôi ra về đi ngang 1 đám rẫy, bất chợt gặp vài con bò tót lai F1 của người dân đang chăn thả tự nhiên.

Thấy chúng tôi đi qua, 1 con ở gần giậm chân, khịt mũi, lúc lắc cặp sừng nhìn rất hung dữ, nếu không có sợi dây xỏ mũi buộc lại có thể nó nhào tới tấn công khách lạ.

Đến giữa cầu treo qua sông Cái, nhìn về trang trại nuôi bò tót lai, chúng tôi mong ước sao đến một ngày không xa những còn bò tót lai gầy còm kia cũng sẽ được chăm sóc nuôi dưỡng, rồi chúng sẽ béo tốt như những con bò đang gặm cỏ ven sông và trở lại dáng oai vệ như người anh em cùng cha đang chăn thả trên cách đồng. 

 
Năm 2012 UBND tỉnh Ninh Thuận và UBND tỉnh Lâm Đồng liên kết đầu tư thực hiện đề tài: "Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót (Bos gaurus) và bò nhà (Bos taurus) tại vùng rừng giáp ranh 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng" giai đoạn 2012-2014. Đề tài do Vườn Quốc gia Phước Bình và Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng thực hiện.
Sau đó, các kết quả nghiên cứu và tài sản của đề tài được triển khai thành đề tài cấp nhà nước: "Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa" để tiếp tục kế thừa phát triển nghiên cứu sâu và rộng hơn.
Kinh phí thực hiện đề tài là 5 tỷ đồng; thời gian thực hiện 36 tháng, từ tháng 11-2015 đến tháng 10-2018. Dự án kết thúc nhưng không tạo ra được bò lai F2. Sau khi dự án kết thúc, đàn bò tót lai không còn kinh phí nuôi dưỡng chỉ được ăn rơm khô nên đã suy kiệt, có con gầy trơ xương có nguy cơ sẽ bị chết bất cứ lúc nào nếu không được khám chữa, chăm sóc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới