Khi điều tra, công an phải thu thập cả chứng cứ gỡ tội

Cụ thể, Chương trình yêu cầu cơ quan điều tra và điều tra viên phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về điều tra tội phạm, không để xảy ra việc bức cung, nhục hình; thu thập đầy đủ cả chứng cứ gỡ tội lẫn buộc tội, hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. 

Bên cạnh đó, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, tập trung vào tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm về ma túy, tội phạm về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tập trung phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, bảo đảm thời hạn điều tra các vụ án hình sự theo quy định của pháp luật, nhất là các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ và tham nhũng; kịp thời xác minh, truy tìm và thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt; chủ động phối hợp xây dựng Đề án về “Cơ chế, chính sách để đấu tranh, xử lý có hiệu quả các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các tội tham ô, hối lộ”...

Chương trình cũng yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, bảo đảm mọi tố giác và tin báo về tội phạm của công dân, cơ quan, tổ chức đều được tiếp nhận và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp khuyến khích và bảo vệ người tố giác tội phạm, tố cáo tham nhũng; xử lý nghiêm các hành vi trả thù người tố giác tội phạm, tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối an ninh, trật tự. 

Cùng với đó, phải kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, tham nhũng, không để xảy ra tình trạng tội phạm lộng hành, các trường hợp bao che tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; không để hình thành các tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm gây bức xúc trong dư luận...

TTH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm