Khi doanh nghiệp tham gia làm luật

Nước ta chưa có luật về lobby song trên thực tế, vận động chính sách, trong đó có vận động hành lang, vẫn đang diễn ra với ý nghĩa hết sức tích cực. Ví dụ điển hình nhất là gần đây nhiều doanh nghiệp (DN), hiệp hội đã được các cơ quan nhà nước mời tham dự, đóng góp ý kiến trong các cuộc họp bàn thảo về xây dựng pháp luật.

Khi Chính phủ trình dự luật một luật sửa tám luật ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), dấu ấn từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh của DN in đậm nét. Chẳng những vậy, như phiên họp Ủy ban Kinh tế của QH mở rộng ngày 3-12, đại diện DN còn được mời tham dự và phát biểu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM, có mặt tại phiên họp đó cùng với đại diện Hiệp hội BĐS Hà Nội, đã nói: Việc sửa luật đã đáp ứng được yêu cầu vì QH, Chính phủ làm việc ngày đêm về những kiến nghị của DN. Thực tế, trước khi đến với phiên họp mở rộng của Ủy ban Kinh tế, chỉ riêng Hiệp hội BĐS TP.HCM đã có hàng chục kiến nghị về sửa các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư…

Thực tiễn từ các hiệp hội, các địa phương như TP.HCM, Hà Nội cho thấy hàng trăm dự án BĐS không triển khai được chỉ vì quy định trong Luật Đầu tư 2020 liên quan đến Luật Nhà ở đã gây khó. Theo đó, để được chấp thuận là chủ đầu tư thì một DN phải có đất ở và các loại đất khác được chấp thuận chuyển đổi thành đất ở.

Tất nhiên, như đại diện Bộ KH&ĐT nói, nhiều khi các địa phương cố tình hiểu sai quy định của luật. Theo đó, khi Luật Đầu tư 2020 sửa đổi quy định của Luật Nhà ở (về “hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại”) nói “có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở”. Đầu cua tai nheo nằm ở cái từ “VÀ” trong câu luật trên. Tức là nhiều nơi hiểu ngoài đất ở thì còn phải có các loại đất khác.

Lần sửa luật này, như Chính phủ trình và Chủ tịch QH nói chỉ sửa từ “VÀ” thành từ “HOẶC” là đã rất khác. Dĩ nhiên, để minh bạch thì Chính phủ trình phương án tách điều luật trên thành ba trường hợp rõ ràng là có quyền sử dụng: i) đất ở hợp pháp; ii) đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải đất ở; iii) các loại đất khác không phải đất ở.

Tất nhiên, như Chính phủ tổng hợp thì những vướng mắc nói trên được cả các địa phương và DN phản ánh. Nhưng đó là những vấn đề tồn tại nhiều năm. Còn với những vấn đề mới thì những kiến nghị của DN lại là cơ sở để Chính phủ trình QH thể chế hóa các chính sách.

Chẳng hạn, cùng với những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) thì việc khuyến khích các nguồn và phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo, sạch trở thành hướng thu hút đầu tư. Khi Vingroup đầu tư vào sản xuất ô tô điện thì việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh biểu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm này được cả Ủy ban Thường vụ QH coi là đi trước một bước.

Thực tế, cũng không thể kể hết được những nỗ lực của DN và người dân từ trước tới nay trong lĩnh vực lập pháp. Bất kể một dự luật, dự thảo nghị định nào được QH, Chính phủ lấy ý kiến (như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định) thì các DN thông qua hiệp hội của mình đều nêu ý kiến xác đáng. Chỉ riêng nhiệm kỳ trước, những luật như DN, Đầu tư, Đầu tư công, các luật thuế, hay các dự thảo nghị định về kinh doanh gas, nhập khẩu ô tô, kinh doanh vận tải… đều được DN quan tâm sát sao. Đơn giản vì nó đụng đến quyền lợi sát sườn không chỉ của DN mà còn của cả nhân dân - người tiêu dùng.

Khi DN, người dân tích cực tham gia sâu vào quá trình lập pháp như vậy thì hy vọng hệ thống pháp luật của nước ta sẽ thống nhất, thông thoáng, an toàn, hài hòa lợi ích, minh bạch… DN tham gia làm luật, vì vậy, sẽ trở thành yêu cầu tất yếu cả về thực tiễn và lý luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm