Chính phủ trình 1 luật và sửa 8 luật - Bài 2

Phá thế độc quyền, khuyến khích tư nhân

Chính phủ vừa trình Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của tám luật liên quan đến đầu tư kinh doanh. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ hôm 3-12.

Ngoài những luật liên quan chặt chẽ đến đầu tư, kinh doanh thì hai luật khác là Luật Điện lực và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được Chính phủ trình sửa nhằm khuyến khích tư nhân đầu tư truyền tải điện, tạo đột phá cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Khuyến khích tư nhân đầu tư lưới điện

Tờ trình của Chính phủ viện dẫn Nghị quyết 55 về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị để sửa Luật Điện lực.

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho hộ dân ở TP Quy Nhơn, Bình Định.
Ảnh: TTXVN

Nghị quyết yêu cầu “nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước, đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; vận hành hệ thống điện quốc gia độc lập dưới dự kiểm soát của Nhà nước”; đồng thời có “cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện. Thực hiện xã hội hóa tối đa đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh”. 

Tuy nhiên, pháp luật về điện lực hiện quy định Nhà nước độc quyền truyền tải điện và đơn vị truyền tải điện có nghĩa vụ xây dựng kế hoạch đầu tư và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện truyền tải đáp ứng nhu cầu theo quy hoạch phát triên điện lực…

Theo Chính phủ, thực tế Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) là đơn vị truyền tải điện được cấp phép hoạt động truyền tải và doanh thu hằng năm được xác định thông qua giá truyền tải điện.

Do đó hiện nay, tư nhân đầu tư vào lưới điện truyền tải, có cả lưới điện 500 kV, 220 kV nhưng lại phải bàn giao lại cho EVNNPT hoặc “thuê” đơn vị này vận hành.

Mặt khác, vốn đầu tư lưới điện truyền tải lớn, EVNNPT phải đi vay thương mại tới 95.000 tỉ đồng giai đoạn 2011-2020, cùng với việc chuyển đổi đất, thủ tục đầu tư khó khăn nên không xây dựng lưới điện kịp thời, “chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra về cả quy mô và tiến độ để phục vụ truyền tải, giải tỏa công suất nguồn điện”. Nhu cầu đầu tư vào hệ thống lưới điện là rất lớn và cần cơ chế khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân.

“Vì vậy cần sửa quy định về chính sách độc quyền truyền tải điện, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện…” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trình bày.

Dự luật Chính phủ trình sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực nêu: “Nhà nước độc quyền… vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện đồng bộ với nguồn điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước xây dựng”.

Đồng thời, “các thành phần kinh tế khi tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải được thực hiện quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện theo Điều 40 Luật Điện lực. Chủ đầu tư các nhà máy điện trong quy hoạch phát triển điện lực được quyền đấu nối vào lưới điện do các thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo đúng quy hoạch được quyệt.

 

Sớm nắm bắt cơ hội sản xuất ô tô điện

Tờ trình của Chính phủ nêu: Cơ hội để thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin của Việt Nam là rất tiềm năng. Quốc hội cần sớm ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hơn nữa cho ngành này phát triển.

Nếu chậm vài năm thì “không có cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất ô tô điện chạy pin sử dụng trong nước và xuất khẩu”. 

Giảm thuế TTĐB để phát triển ô tô điện

Chính phủ cho rằng để giảm khí phát thải từ các ngành liên quan đến năng lượng cần khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng sử dụng ô tô thân thiện với môi trường, cụ thể là ô tô điện. “Cách mạng xanh” trong giao thông khiến sản xuất và sử dụng phương tiện dùng năng lượng sạch đang là xu hướng toàn cầu.

Trung Quốc phát triển 2,3 triệu xe/năm, châu Âu 1,2 triệu xe/năm, Mỹ 1,1 triệu xe/năm. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển sau các nước. Để cạnh tranh và có vị thế thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng cần chuyển đổi theo xu hướng này.

Một số nước giảm thuế hoặc mức thuế ưu đãi đối với ô tô điện chạy pin như Thái Lan áp dụng mức thuế suất ưu đãi 2%; Phần Lan đánh thuế 3%; một số bang ở Mỹ giảm thuế TTĐB, khấu trừ thuế, hoàn tiền, giảm phí đăng ký, giảm phí đậu xe, hỗ trợ việc lắp đặt các trạm sạc điện... cho ô tô điện.

Nước nào không ưu đãi thuế thì có chính sách hỗ trợ khi mua xe. Ireland trợ cấp tối đa 5.000 euro cho cá nhân mua ô tô điện, Anh trợ cấp tối đa 2.500 bảng Anh cho ô tô điện chạy pin, Pháp trợ cấp khoảng 5.000 euro cho người tiêu dùng mua xe điện chạy pin.

Nhu cầu ô tô dưới chín chỗ của Việt Nam là rất lớn, có thể đạt 1 triệu xe vào năm 2030. Tuy vậy, hiện trong nước chưa có doanh nghiệp nào đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện, chỉ có ô tô điện nhập khẩu vài năm gần đây. Một số doanh nghiệp trong nước đang có kế hoạch sản xuất, lắp ráp ô tô điện chạy pin. Chẳng hạn như Vingroup mới đây đã giới thiệu ô tô buýt chạy pin và đầu tư dự án sản xuất ô tô điện chạy pin tại Việt Nam.

Chính phủ cho rằng: Để khuyến khích việc chuyển hướng sang sản xuất loại xe điện thân thiện với môi trường thì cần bổ sung chính sách ưu đãi thuế TTĐB mới theo lộ trình ưu đãi cho riêng dòng ô tô điện chạy pin. Điều này vừa tạo sự đột phá vừa phù hợp với thực tế của ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Mặt khác, hiện các dòng xe lai điện tiếp tục được hưởng chính sách ưu đãi thuế TTĐB. Nếu ưu đãi mạnh thì cũng chỉ ưu đãi khuyến khích cho ô tô lai điện cũng như ô tô thuần điện khác nhập khẩu.

“Khi đó, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ khó khăn do bị cạnh tranh và giảm thu ngân sách lớn. Để đẩy nhanh việc chuyển đổi sang ô tô điện chạy pin, Nhà nước cần ưu đãi thuế, đặc biệt là thuế TTĐB và các chính sách hỗ trợ khác” - Chính phủ nêu.

Chính phủ đề nghị sửa Luật Thuế TTĐB về thuế suất thuế TTĐB để bổ sung chính sách ưu đãi thuế TTĐB theo lộ trình đối với ô tô điện chạy pin.

Chính phủ đề xuất bổ sung điểm i khoản 4 Mục I Điều 7 Biểu thuế TTĐB của Luật Thuế TTĐB theo hướng:

Giảm từ 5% đến 12% thuế suất thuế TTĐB so với mức hiện hành trong năm năm đầu kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành; kể từ năm thứ sáu trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước).

Cụ thể như sau:

Hàng hóa, dịch vụ

Thuế suất (%)

i) Ô tô điện chạy pin (không áp dụng đối với ô tô quy định tại điểm g khoản 4 Mục I điều này)

- Loại chở người từ chín chỗ trở xuống

+ Từ ngày luật này có hiệu lực thi hành

3

+ Từ năm thứ sáu kể từ ngày luật này
có hiệu lực thi hành

10

- Loại chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ

+ Từ ngày luật này có hiệu lực thi hành

2

+ Từ năm thứ sáu kể từ ngày luật này
có hiệu lực thi hành

5

- Loại chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ

+ Từ ngày luật này có hiệu lực thi hành

0

+ Từ năm thứ sáu kể từ ngày luật này
có hiệu lực thi hành

3

- Loại thiết kế vừa chở người vừa chở hàng

+ Từ ngày luật này có hiệu lực thi hành

2

+ Từ năm thứ sáu kể từ ngày luật này
có hiệu lực thi hành

5

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm