Khí hậu càng nóng càng nhiều chiến tranh

Các giáo sư thuộc các ngành khảo cổ học, tội phạm học, kinh tế học và tâm lý học đã phân tích 60 nghiên cứu về các trường hợp sụp đổ thể chế trong lịch sử, các cuộc chiến tranh gần đây, tỉ lệ tội phạm ở Mỹ và các thí nghiệm về sự liên quan giữa nhiệt độ và hành động bạo lực của cảnh sát, cầu thủ. Một điểm chung của các nghiên cứu này: Khí hậu càng nóng thì bạo lực xảy ra càng nhiều.

Theo các nhà nghiên cứu, khí hậu không phải là nguyên nhân duy nhất hay chính yếu tạo ra xung đột nhưng không thể chối cãi nó làm trầm trọng thêm các căng thẳng giữa các tập thể và giữa các cá nhân với nhau. Mối liên quan này đã có từ 10.000 năm trước Công nguyên đến nay. Sự sụp đổ của nền văn minh Maya trùng hợp với thời điểm thế giới xảy ra cuộc hạn hán lịch sử 1.200 năm trước, theo nhà kinh tế học Solomon Hsiang thuộc ĐH California Berkeley, dẫn đầu nhóm nghiên cứu.

Khí hậu càng nóng càng nhiều chiến tranh ảnh 1

Mầm mống cuộc nội chiến Syria bắt đầu từ cuộc hạn hán dữ dội năm 2006 tàn phá mùa màng, hàng triệu người lâm cảnh nghèo đói dẫn đến bạo động, tiến triển tới nội chiến. Ảnh: AFP

Các nhà nghiên cứu chia bạo lực ra ba dạng. Loại hình bạo lực cá nhân như cưỡng hiếp, giết người, tấn công. Loại hình xung đột tập thể như bạo động, nội chiến, xung đột sắc tộc, xâm chiếm đất đai. Loại hình bạo lực nghiêm trọng nhất: sụp đổ thể chế hay sụp đổ nền văn minh.

Nếu khí hậu biến đổi nghiêm trọng, cả ba loại hình bạo lực sẽ cùng diễn ra, bất chấp các yếu tố địa lý, sự giàu có xã hội và bề dày lịch sử. Chẳng hạn, theo các nhà nghiên cứu, xung đột tập thể có thể sẽ xảy ra ở Ấn Độ và Úc, bạo lực sắc tộc có thể sẽ xảy ra ở châu Âu và Nam Á, sẽ có xâm chiếm đất đai ở Brazil, nội chiến ở Hà Lan, bạo lực cá nhân như tấn công và giết người có thể sẽ xảy ra ở Mỹ và Tanzania, thậm chí có thể sụp đổ một số thể chế chính trị như thể chế Trung Quốc.

Tại châu Phi, mỗi nửa độ C tăng thêm, nguy cơ chiến tranh cũng tăng thêm từ 11% đến 14%. Tại Mỹ, cứ 3 độ C tăng thêm, bạo lực sẽ tăng thêm từ 2% đến 4%. Các nhà nghiên cứu dự đoán nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng khoảng 2 độ C trong 50 năm tới. Như vậy nguy cơ chiến tranh ở châu Phi tăng lên từ 40% đến 50%. Vì ô nhiễm ngày càng tăng, nhiệt độ ở hầu hết các khu vực Bắc Mỹ và ranh giới Âu-Á sẽ tăng 2,9 độ C vào năm 2065.

THIÊN ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm