Đó là câu chuyện một cô gái cùng hai người bạn trốn vé tham quan một tu viện tại Trung Quốc. Theo lời kể, để khỏi mất hơn 500.000 đồng tiền vé/người vào tu viện Shongzanlin, cô và bạn mình lặn lội đến tu viện từ 5 giờ sáng nhằm tránh giờ bán vé rồi leo tường vào. Chuyện trốn vé của họ trót lọt cho đến khi chạm mặt anh nhân viên soát vé.
Đừng hồn nhiên chia sẻ tật xấu
Khi anh này hỏi vé đâu, cô và bạn không hề sợ hãi mà cho hay đã ném vào sọt rác. Đến khi anh nhân viên chỉ camera, sẵn sàng trích xuất chứng minh họ chưa từng mua vé thì cô mới chấp nhận. Dù đã được giảm cho một vé nhưng họ tiếp tục kỳ kèo bớt một thêm hai, dĩ nhiên anh bán vé kiên quyết lắc đầu.
Anh soát vé còn chỉ hai bên cổng tu viện được nhét rất nhiều tiền, đây là tiền của những người không vào tu viện mà vẫn sẵn lòng cúng dường. “Còn các cô thì trốn vé” - anh ta nói thẳng. Nghe câu này tưởng đâu cô gái sẽ có vẻ áy náy nhưng cô reo lên: “Lúc nãy trời tối quá không thấy, em rút vài tờ được không anh?”.
Cô gái muốn truyền thông điệp gì từ câu chuyện xấu xí của mình khi dân phượt ai cũng biết trốn vé là hành vi gian lận?
Đành rằng tiền vé tham quan đôi khi là một khoản không nhỏ khiến người ta tiếc đứt ruột. Thế nhưng du khách phải tôn trọng yêu cầu, quy định của chủ nhà. Còn nếu không thích, cảm thấy không đáng để bỏ ra số tiền đó thì không đi, không ai ép buộc cả.
Tiêu chí của những người đi bụi thường là tiết kiệm hết sức có thể. Nhưng nên tiết kiệm chi phí bằng cách hạn chế nhu cầu của cá nhân mình chứ không phải bằng sự khôn vặt, gian dối trên sự sơ hở, dễ dãi và tin tưởng của người khác.
Ra ngoài thế giới là để học hỏi những điều hay, đâu phải để phát huy tật xấu như chứng minh mình khôn ngoan, bản lĩnh, xem sự khôn lỏi, tinh ranh của mình là một kinh nghiệm hay rồi chia sẻ cho người khác học theo.
Cô gái ấy nghĩ sao nếu sau lưng mình, người ta bình luận “Dân Việt Nam là vậy” rồi họ có cái nhìn ác cảm về người Việt Nam, đặc biệt khi cô còn là tác giả một quyển sách viết về Ai Cập và nhiều bài viết đăng báo về những trải nghiệm ở nhiều nơi mà cô đã đi qua.
Người dân ở TP Barcelona (Tây Ban Nha) từng xuống đường phản đối nạn du lịch ào ạt như xâm lược. Ảnh: CT
“Mình không xài, ngu gì cho người khác hưởng!”
Khôn vặt, cố tình lãng phí của chung, xâm phạm quyền sở hữu của người khác là những hành vi xấu xí của một số du khách. Một gia đình người quen của tôi từng kể cứ mỗi khi đi du lịch ở khách sạn là họ mở hết vòi nước, bóng đèn và máy lạnh dù đi ra ngoài. “Mình không xài nhưng ngu gì cho chủ khách sạn hưởng”, họ đắc ý mà chẳng cần nghĩ đó là lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng môi trường.
Ở những nhà cho khách du lịch thuê bên nước ngoài, họ thường trang bị đầy đủ bếp núc, nồi niêu, chén đĩa cho khách tự nấu. Có lần nọ tôi vào bếp không thấy ai nhưng bốn miệng lò trên bếp điện đang hừng hực nóng nên tôi vội vàng tắt, cứ nghĩ ai đó nấu ăn rồi quên tắt.
Lát sau, hai vợ chồng người châu Á dáng vẻ giàu có, quyền lực đi vào, hậm hực khi bếp lò bị tôi tắt đi. Thì ra họ mở bếp điện chỉ để hơ tay cho ấm thêm, cho dù nhà bếp đã có máy sưởi.
Không biến bếp điện thành lò sưởi thì họ lục lọi, bật mở tất cả thiết bị, máy móc mà chẳng biết công năng hoặc không cần xài đến. Chỉ có hai vợ chồng mà căn bếp rộng lại ồn như cái chợ. Tôi chỉ biết ngán ngẩm, lắc đầu.
Ở một điểm du lịch khác, một nhóm khách du lịch châu Á tự động leo lên những chiếc xe đạp của dân địa phương nhún nhảy, hò hét, tạo đủ kiểu dáng để chụp ảnh. Chủ nhân của những chiếc xe đạp đó chỉ biết thảng thốt đứng nhìn, chịu đựng, chờ nhóm này “dằn vặt” chiếc xe đạp của mình cho xong.
Có lẽ nhóm khách ấy nghĩ mình chỉ ngồi lên xe đạp chụp ảnh thôi, có trộm cắp gì nó đâu. Họ không biết rằng họ đang thiếu tôn trọng sở hữu riêng tư của người khác.
Gần đây, ở một số nước như Hà Lan, New Zealand, Tây Ban Nha... người dân đã bắt đầu ca thán, phản ứng vì lượng du khách thiếu ý thức ào ạt kéo đến phá vỡ sự thanh bình của cuộc sống nơi đây. Dân Hà Lan thậm chí còn treo băng rôn gọi những du khách phá hoại là “giặc ngoại xâm”.
Nghe thì chạm tự ái nhưng tiên trách kỷ, hậu hãy trách nhân.
Tôi cảm thấy xấu hổ khi trốn vé Tham quan nước ngoài bằng hình thức đi phượt là đam mê của tôi. Hồi năm 2016, tôi đã từng trốn vé khi đến tham quan khu du lịch nổi tiếng thế giới như trong bài viết trên đã đề cập. Lần thứ hai tôi trốn vé khi đến tham quan núi lửa Bromo, Indonesia. Ở núi lửa, tôi không đi thẳng vào làng, qua cổng làng để thu phí mà đi bằng đường ruộng xuống cánh đồng tro bụi dưới chân núi lửa. Tại đây tôi thấy rất nhiều bạn trẻ cũng trốn vé như thế... Qua mỗi chuyến đi đều để lại cho tôi nhiều ấn tượng về những vùng đất mới lạ cùng những câu chuyện về nét văn minh của từng nơi. Nếu xét về kinh nghiệm du lịch đơn thuần, đây là hình thức tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, như vụ trốn vé ở tu viện Shongzanlin hay các điểm thu vé khác, họ cần chi phí để bảo tồn, trùng tu... thì việc trốn vé tham quan là sai trái, không nên. Giờ nhớ lại tôi cảm thấy xấu hổ về những việc này. YẾN LAN (NGUYỄN HIỀN ghi) |
_________________________
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.