Khi Viện kiểm sát làm bị đơn và kháng cáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-3, nguồn tin của PLO cho hay VKSND tỉnh Khánh Hòa đã gửi đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh này về yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. VKSND tỉnh Khánh Hòa là bị đơn trong vụ kiện này.

Cùng thời điểm, nguyên đơn của vụ kiện trên là ông Huỳnh Chiếm Hoạnh (quê phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) và bảy anh chị em ruột của ông này cũng đã gửi đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.

Ông Hoạnh là con của ông Huỳnh Chiếm Phái (sinh năm 1931, mất năm 2015), người bị làm oan trong vụ án xảy ra cách đây 41 năm. Ông Hoạnh cũng là đại diện cho những người đồng thừa kế thứ nhất của ông Phái.

Ông Huỳnh Chiếm Hoạnh kháng cáo bản án sơ thẩm. Ảnh: ĐH

Cũng theo nguồn tin trên, trong đơn kháng cáo, VKSND tỉnh Khánh Hòa không đồng ý bồi thường hơn 1,6 tỉ đồng cho những người đồng thừa kế thứ nhất của ông Huỳnh Chiếm Phái mà TAND tỉnh đã tuyên. VKSND tỉnh vẫn chỉ đưa ra mức bồi thường 474 triệu đồng cho tám anh chị em của ông Hoạnh như trong các lần thương lượng trước đây.

Trong khi đó, tám anh chị em ông Hoạnh chỉ đồng ý một phần bản án sơ thẩm, đề  nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm, buộc VKSND tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường hơn 4,4 tỉ đồng. Trong đó, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hơn 1,3 tỉ đồng, thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm hơn 1,5 tỉ đồng, thiệt hại tinh thần hơn 1,2 tỉ đồng và các chi phí khác hơn 142 triệu đồng.

Trong vụ án trên, VKSND tỉnh Khánh Hòa có hai tư cách tố tụng là bị đơn và thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử. Viện trưởng VKSND tỉnh Khánh Hòa đã ủy quyền cho một kiểm sát viên tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn; đồng thời phân công một kiểm sát viên thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng, tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm của VKS về giải quyết vụ án.

Ngoài kháng cáo bản án sơ thẩm với tư cách bị đơn, hiện chưa có thông tin VKSND tỉnh Khánh Hòa có kháng nghị bản án sơ thẩm với tư cách là cơ quan kiểm sát xét xử hay không.

Ông Huỳnh Chiếm Hoạnh (giữa) cùng ông Trần Bê và luật sư trao đổi về vụ kiện. Ảnh: TL

Theo hồ sơ, tối 18-10-1981, tại xã Ninh Giang (nay là phường Ninh Giang, thuộc thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) xảy ra vụ chủ tịch UBND xã này bị bắn chết. Hôm sau, Công an tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa) bắt giam ông Huỳnh Chiếm Phái cùng ba người khác để điều tra tội giết người.

Sau hơn 13 tháng bị tạm giam, đến ngày 2-2-1983, ông Phái được VKSND tỉnh này ra lệnh tạm tha với lý do “xét thấy bị can tuổi già, sức khỏe bị sút kém nên không cần thiết phải giam giữ tiếp”.

Sau khi ông Phái liên tục kêu oan, tháng 12-2009, VKSND Khánh Hòa giao cho gia đình ông Phái bản sao quyết định đình chỉ điều tra do VKSND Phú Khánh ban hành ngày 25-9-1984. Quyết định nêu rõ: “Xét thấy không đủ bằng chứng để buộc tội Huỳnh Chiếm Phái phạm tội giết người”. 

Ông Huỳnh Chiếm Phái cũng liên tục yêu cầu minh oan, trả lại danh dự cho ông nhưng không cơ quan tố tụng nào giải quyết. Sau đó, ông Phái ủy quyền cho con trai là ông Huỳnh Chiếm Hoạnh gửi đơn yêu cầu phục hồi danh dự, bồi thường oan. 

Mãi đến tháng 8-2019, VKSND tỉnh Khánh Hòa mới cải chính, xin lỗi công khai ông Phái khi ông này đã chết gần bốn năm. Sau đó, ông Hoạnh có đơn yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên, do hai bên thương lượng không thành nên ông Hoạnh khởi kiện ra tòa. 

VKSND tỉnh Khánh Hòa đã bồi thường cho người bị oan khác

Tháng 11-2020, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã bồi thường 511 triệu đồng cho ông Trần Bê (65 tuổi, ngụ phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa). Ông Trần Bê cũng là người bị bắt giam oan trong vụ án mà ông Phái bị bắt giam oan hồi tháng 10-1981.

Ông Bê bị tạm giam gần ba năm. Đến ngày 25-9-1984, ông Bê được thả kèm theo quyết định đình chỉ điều tra của VKSND tỉnh Phú Khánh. Quyết định này ghi rõ: “Xét thấy không có đủ bằng chứng buộc tội Trần Bê về tội giết người”.

Liên tục trong nhiều năm, ông Trần Bê đi khiếu nại khắp nơi yêu cầu phục hồi danh dự cho ông do bị bắt giam oan. Mãi đến tháng 9-2019, VKSND tỉnh Khánh Hòa mới tổ chức xin lỗi công khai, phục hồi danh dự cho ông Bê. Sau đó, ông Bê có đơn khiếu nại, yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường oan.

Giữa năm 2020, viện trưởng VKSND Tối cao có công văn chỉ đạo VKSND tỉnh Khánh Hòa phải thụ lý giải quyền bồi thường cho ông Bê theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm