Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Theo tờ trình dự thảo Quyết định gửi Chính phủ, Bộ Công thương đề xuất bổ sung “dịch vụ nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT)” vào danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Khiếu nại liên quan đến thương mại điện tử chiếm nhiều nhất
Lý do đề xuất, theo Bộ Công thương, dựa trên các tiêu chí quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) năm 2023 và một số tiêu chí khác liên quan.
TMĐT là dịch vụ có số lượng lớn NTD sử dụng thường xuyên, liên tục. Cụ thể năm 2021 số lượng NTD mua sắm trực tuyến đạt 54,6 triệu người, chiếm khoảng 55% dân số Việt Nam. Năm 2022 đạt 57 triệu người và dự báo năm 2023 sẽ tăng lên 59-62 triệu người.
Bên cạnh đó, kết quả công tác giám sát đối với một số DN kinh doanh TMĐT trong đó có tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn cho thấy tính tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền NTD về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung còn khá thấp.
Hơn nữa, với đặc thù của giao dịch mua sắm qua thương mại điện tử, NTD không kiểm tra chất lượng sản phẩm cũng như không được thực sự tham gia vào quá trình soạn thảo các mẫu hợp đồng, điều khoản giao kết mà hoàn toàn do DN đơn phương soạn thảo, áp dụng.
Vì vậy, trường hợp các điều khoản trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của những DN này vi phạm sẽ gây thiệt hại, thậm chí ảnh hưởng đến quyền lợi của lượng lớn NTD đã chọn sử dụng.
Đáng chú ý, vượt trội trong hàng hàng ngàn vụ việc khiếu nại, phản ảnh bảo vệ quyền lợi NTD gửi về Bộ Công thương, vụ việc liên quan đến thương mại điện tử năm 2022 và 2023 chiếm tỉ lệ cao nhất (14,7% và 14,9%).
Dự báo tỉ lệ này tăng lên trong bối cảnh mua sắm qua thương mại điện tử ngày càng nhiều.
Doanh nghiệp thương mại điện tử nước ngoài dẫn đầu thị trường Việt Nam
Về nhóm DN dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ TMĐT hiện nay là những DN có yếu tố nước ngoài như công ty TNHH Shopee, công ty TNHH Grab, công ty TNHH Woowa Brothers Việt Nam (website/ứng dụng đặt, giao đồ ăn Baemin).
Nhóm DN này hiện có số lượng lớn, xấp xỉ 60 triệu NTD lựa chọn khi mua sắm, cung ứng dịch vụ qua mạng.
Qua đó, cho thấy TMĐT đã trở thành kênh mua sắm thường xuyên, quan trọng của NTD. Điều này đặt ra sự cần thiết phải đánh giá các rủi ro NTD có thể phải đối mặt khi mua sắm qua TMĐT, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời về chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ quyền lợi NTD trong bối cảnh mới.
Theo Bộ Công thương, nhằm ngăn ngừa phát sinh tranh chấp trong bối cảnh mua sắm tiêu dùng trên nền tảng số đang phát triển nhanh chóng như hiện nay.
Việc bổ sung dịch vụ “nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp dịch vụ TMĐT” vào danh mục phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thực sự cần thiết trong bảo vệ quyền lợi NTD.
Mua sắm qua TMĐT tiềm ẩn nhiều rủi ro như vấn nạn hàng giả, hàng nhái, nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân, tranh chấp phát sinh từ những điều khoản giao kết không rõ ràng gây thiệt hại, vi phạm quyền lợi của NTD.