Mỗi quận, huyện mở 1 chợ online: Ý tưởng hay nhưng…

(PLO)- Thói quen mua hàng online, qua sàn thương mại điện tử của người tiêu dùng đã phá vỡ kênh kinh doanh truyền thống.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sức mua trên thị trường vẫn còn yếu, cùng với xu hướng người dân chọn mua sắm online khiến kênh bán hàng truyền thống gặp nhiều thách thức, thậm chí rất nhiều tiểu thương đóng cửa sạp, nghỉ bán. Trước thực tế này, mới đây Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM đã đề xuất mỗi quận, huyện trên địa bàn TP lập một chợ online để hỗ trợ DN, tiểu thương vượt qua khó khăn.

P11_cho-mang-1.jpg
Khách lẻ chủ yếu mua hàng trên mạng nên càng không đến chợ, vì vậy nhiều nhà kinh doanh chuyển sang bán hàng online. Ảnh: TÚ UYÊN

Đề xuất các quận, huyện lập chợ online

Đại diện Hiệp hội DN TP.HCM đánh giá hiện nay các công ty thương mại gặp nhiều khó khăn một phần do mãi lực thị trường yếu. Hơn nữa, thói quen mua hàng online, qua sàn thương mại điện tử đã phá vỡ kênh kinh doanh truyền thống. Hệ quả là xu hướng trả mặt bằng lan rộng khi hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu, sạp kinh doanh ở chợ phải đóng cửa.

“Chúng tôi mong muốn Sở Công Thương, Sở TT&TT TP.HCM xem xét phối hợp cùng các hội ngành nghề và các quận, huyện lập các chợ online. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có chính sách miễn, giảm chi phí tham gia chợ online trong thời gian đầu, giúp DN gia tăng hoạt động thương mại” - đại diện Hiệp hội DN TP.HCM nói.

Theo đại diện Hiệp hội DN TP.HCM, đề xuất này dựa trên thực tế khi một số cơ quan chức năng, hội ngành nghề đã xây dựng ứng dụng công nghệ hay trang bán hàng online riêng. Đơn cử như Hội DN quận 5 (TP.HCM) từng phối hợp với Trung tâm hỗ trợ DN quận này mở chợ phiên online Chợ Lớn - chophiencholon.vn; Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cũng xây dựng app triển lãm trực tuyến chuyên về ngành gỗ để quảng bá đến khách hàng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những mô hình này chưa phổ biến vì để làm được cần phải có công nghệ, tài chính… Do đó, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để có thể nhân rộng ra.

“Thay vì Nhà nước đầu tư xây dựng các chợ truyền thống để tiểu thương bán hàng thì nay có thể mở chợ online để các DN, tiểu thương tham gia. Điều này phù hợp với xu hướng chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử hiện nay” - Hiệp hội DN TP.HCM giải thích.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho rằng hiện nay để giảm bớt những khó khăn trước tình hình sức mua vẫn còn ảm đạm cũng như thích ứng với xu hướng mua sắm online, các nhà kinh doanh đang đẩy mạnh bán hàng trên kênh online. Đây là giải pháp vừa giúp giảm chi phí thuê mặt bằng vừa giảm chi phí bán hàng cho các đơn vị kinh doanh.

Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng có thể tổ chức bán hàng online hiệu quả nếu không biết làm công tác truyền thông. Do đó, nếu thành lập chợ online tại mỗi quận, huyện thì các DN sẽ tham gia chợ này và chắc chắn việc truyền thông, quảng bá, chào hàng đến thị trường rộng rãi hơn.

“Với các lý do trên, chúng tôi ủng hộ việc mở chợ online cho các DN TP.HCM. Tuy nhiên, không nhất thiết mỗi quận, huyện phải có một chợ mà trước tiên cần làm chợ online tập trung, đầu tư phát triển thật tốt rồi phát triển dần dần” - ông Hiến nêu ý kiến.

Các doanh nghiệp nên ưu tiên áp dụng mạnh chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh để phù hợp với xu hướng mua sắm mới.

Để vận hành chợ online còn nhiều việc làm

Nhằm hỗ trợ các DN, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, hồi năm 2020, quận 5 (TP.HCM) đã mở chợ phiên online chỉ trong thời gian ngắn và đã đạt được kết quả nhất định.

Là một trong những đơn vị tham gia dự án xã hội hóa chợ phiên online của quận 5, ông Trương Gia Bảo, Giám đốc Liên minh Chuyển đổi số, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử, nhìn nhận: Trong thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng, các hộ kinh doanh đã nỗ lực nên chợ phiên online mở ra và hoạt động thuận lợi. Tuy nhiên, sau này chợ phiên online không còn duy trì thường xuyên do vướng một số khó khăn như năng lực triển khai bán hàng online của tiểu thương, hộ kinh doanh vẫn còn hạn chế.

Vì vậy, đề xuất mỗi quận, huyện lập chợ online là ý tưởng tốt nhưng để vận hành và kéo người dân đến mua hàng là cả một vấn đề. “Đây cũng là lý do khiến tiểu thương chợ phiên online quyết định không tiếp tục mở bán thường xuyên” - ông Bảo cho biết.

Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cũng cho rằng để chợ online mở bán hiệu quả đòi hỏi một số yếu tố như đơn vị nào quản lý, vận hành. Chưa kể, để thu hút khách hàng mua sắm, các sàn thương mại, các ứng dụng bán hàng online đều có các chương trình trợ giá, khuyến mãi. Vậy đối với chợ online, ai sẽ trợ giá để khách hàng chọn mua trên kênh của mình mà không mua ở các kênh khác? Do đó, nếu có thể thì các quận, huyện mở các chợ phiên online hằng tuần, hằng tháng trước khi mỗi địa phương mở một chợ.

Cùng nhìn nhận trên, chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng cho rằng mọi mô hình kinh doanh đều cần có tính chuyên nghiệp và hiệu quả khi hoạt động. “Đối với đề xuất mỗi quận, huyện lập một chợ online thì ai sẽ đứng ra mở chợ? Ai đầu tư, ai sẽ đứng ra vận hành? Chợ online có sự khác biệt nào để cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử?... Do đó, cần tính toán cân nhắc để triển khai đạt hiệu quả” - ông Dũng đặt vấn đề. •

Hỗ trợ nhà kinh doanh bán hàng trực tuyến

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết năm 2021, nhằm thích ứng trong bối cảnh dịch COVID-19, sở đã phối hợp với Công ty FPT ra mắt mô hình chợ trực tuyến Utop. Theo đó, tiểu thương các ngành hàng từ thực phẩm khô đến thực phẩm tươi sống, gia vị… được hỗ trợ mở gian hàng trên ứng dụng này. Sau khi nhận đơn đặt hàng của người dân, nhân viên của chợ trực tuyến Utop sẽ tiến hành mua sắm và giao cho khách hàng.

Đến nay, chợ trực tuyến Utop vẫn duy trì ở hơn 30 chợ trên địa bàn TP.HCM nhưng chưa phát triển mạnh do còn một số hạn chế nhất định. Do đó, sở cùng đơn vị đồng hành, các quận, huyện đang đánh giá lại mô hình chợ trực tuyến Utop để tiếp tục triển khai có hiệu quả trong thời gian tới.

“Với đề xuất mỗi quận, huyện lập một chợ online, chúng tôi vẫn chưa nhận được đề xuất cụ thể. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là sẵn sàng ủng hộ bởi thị trường có nhiều kênh phân phối sẽ giúp đưa hàng hóa đến với nhiều người tiêu dùng hơn, giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ tốt hơn” - đại diện Sở Công Thương chia sẻ.

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM thông tin thêm từ nay đến cuối năm sở sẽ tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo, hỗ trợ tiểu thương các chợ truyền thống tiếp cận với phương thức kinh doanh mới trên chợ online cũng như đa dạng kênh tiếp cận với khách hàng. Trong đó, ưu tiên áp dụng mạnh chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh để phù hợp với thị hiếu và xu hướng mua sắm mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm