Khó điều tra tiêu cực trong ngành tư pháp

Trước đó, ngày 6-11, đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt vấn đề: “Tại sao đến bây giờ các TAND chưa được người dân và xã hội tin cậy, chưa trở thành biểu tượng công lý trong lòng người dân?”. Ông Nhưỡng cũng cho rằng “đâu đó ngoài kia, dân vẫn kêu ca về án từ, thái độ, tác phong, kéo dài, trì hoãn, chỗ thì vi phạm tố tụng, nơi thì vòi vĩnh tiền bạc. Tình trạng báo cáo xin chỉ đạo, thỉnh thị án không có dấu hiệu giảm bớt”...

“Tiêu cực chỉ nằm ở một bộ phận nhất định”

Theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh, từng giữ chức phó chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, đội ngũ công chức tòa án, đặc biệt là thẩm phán, phải chịu sự giám sát cả ở cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm. Cơ chế tiền kiểm là tại phiên tòa, thẩm phán bị những người tiến hành, tham gia tố tụng giám sát, trong đó có hai đối tượng “đặc biệt” là kiểm sát viên và luật sư, chưa nói đội ngũ phóng viên được tham dự những phiên tòa công khai. Còn theo cơ chế hậu kiểm, thẩm phán bị VKS cùng cấp, VKS cấp trên, tòa án cấp trên giám sát vô thời hạn.

Ông Bộ cho hay một thẩm phán bị hủy, sửa bản án, đặc biệt chỉ bị sửa 0,7% đã không được thi đua, chưa nói còn bị dừng không được làm nhiệm vụ thẩm phán, không được tái bổ nhiệm. “Chúng ta phải thừa nhận một điều rằng trong ngành tòa án có tiêu cực nhưng tiêu cực đó chỉ nằm ở một bộ phận nhất định” - ông Bộ nói.

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ đang phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Đ.MINH

Cũng theo ông Bộ, đối với án dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, hai bên là bên bị và bên nguyên, bên thắng thì ca ngợi tòa, bên thua thì đương nhiên không ca ngợi, thậm chí còn chửi. Ông Bộ sau đó kể lại trường hợp một thẩm phán TAND quận Đống Đa bị đương sự thua kiện trong một tranh chấp đất đai tạt acid, phải trải qua 12 năm chữa trị, 41 lần phẫu thuật mà đến nay gương mặt cũng chỉ khôi phục được một phần.

“Giá như ĐB Lưu Bình Nhưỡng đưa ra được những vụ án cụ thể nào, cái sai đấy cụ thể là thẩm phán nào thì sẽ rất thuyết phục và lúc đó chúng ta sẽ có địa chỉ cụ thể để kiểm tra, giám sát, xử lý” - ông Bộ nói.

Trong khi đó, theo Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính, thực tiễn tất cả tòa án đều không có bất cứ quy định nào yêu cầu thẩm phán phải báo cáo án, thỉnh thị án, những ý kiến trao đổi chỉ là tham khảo, không làm ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán...

“Người dân phải chạy, phải bôi trơn”

Phát biểu sau đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng sự chậm trễ trong bộ máy tư pháp là một điều khủng khiếp đối với người dân, thời hạn thì có nhưng có những vụ án đơn giản cũng phải kéo dài. Nhiều văn bản có những lúc người ta biết lãnh đạo đã ký nhưng mấy tuần vẫn chưa đến người dân được. Điều này đòi người dân phải chạy, phải bôi trơn, phải lót tay thông qua “cò” hoặc nhân viên nào đó thì mọi việc lại “thông đồng bén giọt”.

“Không đóng dấu mật các báo cáo tư pháp”

Việc công khai, minh bạch chúng ta đã tiến hành khá hiệu quả đối với hoạt động lập pháp và hành pháp. Trong hoạt động tư pháp, pháp luật đã có những quy định liên quan như công khai, minh bạch trong hoạt động tố tụng, trong việc xét xử, ra bản án… Tuy nhiên, các báo cáo của các cơ quan tư pháp tại QH vẫn đóng dấu mật.

Chúng tôi đề nghị báo cáo của cơ quan tư pháp sẽ không đóng dấu mật, còn những gì liên quan tới mật thì nên đưa vào các phụ lục. Công khai, minh bạch trong hoạt động tư pháp sẽ tạo nên sức ép, cũng tạo nên căn cứ để cử tri, nhân dân tiếp xúc với các báo cáo, qua đó giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp tốt hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp  
NGUYỄN MẠNH CƯỜNG 
(Quảng Bình)

“Tôi đề nghị sắp tới các ngành (công an, kiểm sát, tòa án) siết lại về thời hạn. Chúng ta hay nói là anh em quá tải nhưng tôi cho rằng thật ra do kỷ luật lỏng lẻo. Đây là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực mà người ta thấy chạy chọt, lót tay thì việc lại suôn sẻ hơn” - ông Nghĩa nói.

Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình Mai Khanh lập tức xin tranh luận, phản ứng đối với quan điểm của ông Nghĩa: “ĐB Nghĩa nói thiếu cơ sở vững chắc, chưa có căn cứ để khẳng định mang tính phổ biến ở nước ta”.

Giải trình thêm trước Quốc hội (QH), Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng điều tra các tiêu cực trong hoạt động tư pháp là nhiệm vụ hết sức khó khăn bởi đối tượng điều tra, về mặt tình cảm, là đồng chí, đồng đội. “Mới hôm qua cũng trong khối cơ quan tư pháp này thôi nhưng giờ anh em sai phạm. Những con người này mà có sai phạm thì thu thập chứng cứ cũng không dễ bởi vì trong nghề biết hết, hết sức khó khăn” - ông Trí nói.

“Chủ trương của Đảng, Nhà nước, QH đã cho phép thành lập CQĐT VKSND Tối cao. Tôi cho rằng đây là một công cụ để góp phần làm trong sạch, trả lời cho câu hỏi của ĐBQH rằng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tư pháp có tiêu cực, tham nhũng hay không. Chính kết quả hoạt động của cơ quan này sẽ trả lời điều đó. Phải nói rằng có nhưng chúng ta cố gắng làm hết sức để kiểm soát, hạn chế, dẫn tới đảm bảo được nền tư pháp ngày càng minh bạch, đáp ứng yêu cầu lớn nhất là lòng tin của nhân dân” - ông Trí khẳng định.

Viện trưởng VKSND Tối cao LÊ MINH TRÍ: “Ngành kiểm sát coi oan sai là vấn đề hết sức quan trọng vì hậu quả xảy ra không thể khắc phục. Nó không phải lợi ích vật chất, không phải vấn đề chúng ta dễ khắc phục mà vấn đề uy tín, danh dự không chỉ của cá nhân con người đó mà còn vấn đề dòng họ, quê hương. Vì vậy, chỗ này chúng ta phải quyết liệt. Năm 2016 có 70 trường hợp oan, năm 2017 phấn đấu giảm còn 32 trường hợp, đây là một nỗ lực lớn nhưng so với yêu cầu và bức xúc này chúng ta phải tiếp tục cố gắng nữa”.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: “Phiên họp của QH hôm nay, tôi đã yêu cầu tất cả tòa án các cấp nếu không bận xét xử, bận họp quan trọng thì các đồng chí ngồi trước tivi để lắng nghe QH mong muốn ở tòa án cái gì, nhân dân đòi hỏi ở tòa án cái gì... Về vấn đề kỷ luật, Ban cán sự đảng và lãnh đạo TAND Tối cao đã ban hành Quy định 120 quy định rõ thẩm phán xử một vụ như thế nào thì bị phê bình, bị khiển trách, không được tái bổ nhiệm và bị kỷ luật... Tôi đề nghị tất cả chánh án ngồi trước màn hình hôm nay chuyển Quy định 120 cho các đoàn ĐBQH để giám sát thẩm phán”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm