Mới đây, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho hay tỉnh đang yêu cầu Công ty TNHH Liên hợp công nông nghiệp phát triển bền vững Sao Đỏ (gọi tắt là Công ty Sao Đỏ) có trách nhiệm hoàn trả cho ngân sách nhà nước số tiền đã tạm ứng trước đây.
Nguy cơ mất 55 tỉ đồng đã ứng cho doanh nghiệp
Theo hồ sơ, tháng 4-2010, UBND tỉnh Đắk Lắk cho Công ty Sao Đỏ thuê hơn 1.500 ha đất tại thôn 8, xã Ea Lai, huyện M’Đrắk để làm dự án chăn nuôi bò, thời hạn thuê là 50 năm. Dự án này được hưởng nhiều ưu đãi như miễn tiền thuê đất 15 năm đối với diện tích chăn nuôi; 11 năm với diện tích quản lý, bảo vệ rừng suốt thời gian làm dự án; được hỗ trợ tín dụng, đào tạo lao động và ưu đãi về thuế nhập khẩu…
Khu vực dự án nuôi bò của Công ty Sao Đỏ ở xã Ea Lai, huyện M’Đrắk. Ảnh: VŨ LONG |
Đặc biệt, UBND tỉnh Đắk Lắk còn cho Công ty Sao Đỏ tạm ứng hơn 55 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước để thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh tạm ứng trực tiếp hơn 50 tỉ đồng, còn lại là của Quỹ phát triển đất tỉnh Đắk Lắk.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi 1.007 ha đất của người dân để giao cho Công ty Sao Đỏ. Tuy nhiên, thực tế công ty này chỉ sử dụng hơn 454 ha và chưa ký hợp đồng thuê đất đối với diện tích này. Dự án chỉ nuôi khoảng 3.200 con bò, bằng gần 25% quy mô dự án. Cơ quan chức năng xác định tất cả công trình gồm khu chuồng trại, nhà kho, hồ chứa nước… của dự án đều không có giấy phép xây dựng. Ngoài ra, quá trình thực hiện dự án Công ty Sao Đỏ còn làm suy giảm hơn 51 ha rừng tự nhiên.
Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước khu vực XII xác định việc UBND tỉnh Đắk Lắk cho Công ty Sao Đỏ tạm ứng hơn 50 tỉ đồng để thực hiện dự án là không đúng quy định.
Trong kết luận thanh tra ban hành năm 2018, UBND tỉnh Đắk Lắk xác định toàn bộ kinh phí liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đều nằm trong nguồn vốn đầu tư dự án của Công ty Sao Đỏ. Do đó, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn trả cho Nhà nước phần kinh phí tạm ứng trên.
Bến xe khách huyện Krông Nô. Ảnh: VŨ LONG |
Tại kết luận thanh tra ban hành đầu tháng 11-2022, Thanh tra Chính phủ cũng xác định việc UBND tỉnh Đắk Lắk cho tạm ứng hơn 55 tỉ đồng ngân sách đến nay chủ đầu tư chưa thống nhất hoàn trả, dẫn đến nguy cơ mất tiền ngân sách nhà nước.
Yêu cầu trả lại đất không sử dụng
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay nhiều diện tích đất không sử dụng tại dự án của Công ty Sao Đỏ đã bị người dân lấn chiếm, tái lấn chiếm kiểu “da báo”. Nhiều người dân kiến nghị Công ty Sao Đỏ trả lại diện tích đất không sử dụng cho địa phương để lập phương án sử dụng đất nhằm hạn chế lãng phí tài nguyên.
Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho hay hiện nay sở đang yêu cầu Công ty Sao Đỏ hoàn thiện hồ sơ trả lại hơn 1.000 ha dự án. “Sau khi Công ty Sao Đỏ hoàn thiện hồ sơ theo quy định, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất, giao đất cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy định của pháp luật hiện hành” - vị lãnh đạo sở thông tin.
Còn ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk, nói Công ty Sao Đỏ có trách nhiệm hoàn trả cho ngân sách nhà nước số tiền đã tạm ứng trước đây.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Thái Nhị, Tổng giám đốc Công ty Sao Đỏ, nói công ty đã làm việc với Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk để xác định hoàn trả khoản chi ngân sách cho dự án. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa có sự thống nhất.
Theo ông Nhị, quan điểm của công ty là trả lại khoản tiền này cho ngân sách. “Công ty đã đề nghị tỉnh Đắk Lắk phải có thống kê cụ thể đã trả cho những ai, bao nhiêu tiền. Khi có thống kê cụ thể, chúng tôi mới có cơ sở hoàn trả khoản ngân sách này cho tỉnh Đắk Lắk” - ông Nhị nói.
“Trầy trật” đòi doanh nghiệp trả lại 2,3 tỉ đồng
Hiện ở tỉnh Đắk Nông cũng có một trường hợp Nhà nước ứng ngân sách cho doanh nghiệp làm dự án nay thành… khó đòi.
Cụ thể, ngày 20-12, ông Bùi Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, cho hay UBND huyện đang hoàn tất báo cáo trình UBND tỉnh Đắk Nông về việc thu hồi hơn 2,3 tỉ đồng ngân sách đã tạm ứng cho doanh nghiệp làm bến xe khách. “Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên phải chi trả trong nhiều lần mới xong” - ông Sơn nói.
Theo một nguồn tin khác, năm 2015 UBND huyện Krông Nô chi hơn 2,3 tỉ đồng cho Công ty TNHH Nam Trường làm bến xe khách tại huyện này. Dự án này được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Công ty TNHH Nam Trường được quản lý, chủ động tổ chức kinh doanh khai thác dịch vụ có thu phí với thời hạn 30 năm.
Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông xác định việc UBND huyện Krông Nô chi hơn 2,3 tỉ đồng từ ngân sách để đầu tư một số hạng mục của Bến xe khách huyện Krông Nô theo hình thức đối tác công tư (PPP) là không đúng thẩm quyền, không đủ điều kiện để thực hiện dự án theo hình thức này, vi phạm các quy định pháp luật. UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Krông Nô thu hồi khoản tiền trên vào ngân sách.