UBND TP Hà Nội vừa đồng ý đổi hàng trăm hecta đất để làm đường trong nội đô. Điều này khiến dư luận hết sức băn khoăn, bởi trước đó hàng loạt dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) của TP Hà Nội đã bị chỉ ra sai phạm, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng.
Đổi gần 190 ha đất lấy đường
Đáng chú ý, hàng loạt dự án đổi đất lấy đường mà Hà Nội đã, đang hoặc vừa đồng ý làm đa phần đều được giao cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) thực hiện. Theo đó, các DN này bỏ tiền làm đường và được Hà Nội thanh toán bằng các ô đất ở vị trí thuận lợi để triển khai các dự án nhà ở, văn phòng.
Bốn dự án sau đây được dư luận chú ý nhiều nhất:
Thứ nhất là dự án xây dựng tuyến đường dài 2,85 km, mặt cắt 30 m từ Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 với kinh phí dự kiến 1.404 tỉ đồng. Dự án này được Hà Nội giao cho liên danh Công ty CP Phát triển nhân lực LOD (hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, phát triển nguồn nhân lực, thương mại, du lịch, BĐS) và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt (hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực BĐS, buôn bán máy móc, thiết bị y tế) đầu tư, thời gian triển khai từ năm 2018 đến 2020. Đổi lại Hà Nội sẽ dành 39,8 ha đất tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm để thanh toán.
Thứ hai là dự án tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, dài hơn 1,6 km, mặt cắt 40-47,5 m với tổng vốn đầu tư 1.373 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ quý IV-2017 đến quý II-2019. Dự án do Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng (hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, BĐS) đầu tư. Đổi lại, Hà Nội cho DN này khai thác gần 60 ha đất tại nhiều vị trí đắc địa ở hai quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng.
Dự án thứ ba là tuyến đường dài 2,6 km, mặt cắt 40 m từ trung tâm quận Hoàng Mai đến đê sông Hồng với kinh phí dự kiến gần 1.000 tỉ đồng do Tập đoàn Tân Hoàng Minh đầu tư. Đổi lại, tập đoàn này được khai thác khu đất rộng 20 ha tại trung tâm quận Hoàng Mai (nằm gần khu đô thị Gamuda Garden) để làm dự án nhà ở, văn phòng.
Dự án thứ tư là đường kết nối khu đô thị và khu dân cư quận Hà Đông gồm nhiều tuyến đường với tổng chiều dài 12,54 km, kinh phí dự kiến 1.961 tỉ đồng. Dự án do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - INVEST (chuyên về BĐS, xây dựng, giáo dục đào tạo) và Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (hoạt động chính trong lĩnh vực BĐS) đầu tư. Đổi lại, Hà Nội sẽ giao cho liên danh này khoảng 68 ha đất để làm nhiều khu đô thị, nhà ở.
Dự án đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên do Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đề xuất. Ảnh: CTV
Nhà nước bị thiệt hai lần
Điều đáng chú ý, các dự án trên đều không được đấu thầu một cách công khai, rộng rãi mà phần lớn do các DN đề xuất, sau đó được TP Hà Nội chỉ định để triển khai. Đây là một trong những sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra vào năm 2017 khi ban hành kết luận đối với 15 dự án giao thông, môi trường đầu tư theo hình thức BT tại Hà Nội.
Theo kết luận thanh tra, trong 15 dự án “đổi đất lấy hạ tầng” mà Hà Nội triển khai có đến 14 dự án được chỉ định thầu. Có trường hợp tính toán sai chi phí đầu tư, làm tăng tổng vốn đầu tư khiến Nhà nước có nguy cơ thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng mà đến nay hậu quả vẫn chưa được khắc phục…
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 22-6, ông Phạm Quang Tú, chuyên gia của Oxfarm, cho rằng Hà Nội nên hạn chế làm đường theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Lý do, các dự án đầu tư BT thường được chỉ định thầu, không đấu giá công khai. Nhà nước phải mua một sản phẩm là con đường nhưng lại không được lựa chọn giữa các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau. Vì vậy chất lượng của con đường đó chưa phải là tốt nhất, giá cũng không hẳn rẻ nhất.
“Mặt khác, Nhà nước còn bán đất mà không qua đấu giá, không theo giá thị trường, lại chỉ có một người mua duy nhất nên giá bán đất không thể là giá có lợi nhất. Như vậy, Nhà nước đã hai lần bị thiệt khi chỉ mua sản phẩm của một người bán và bán tài sản của mình cho một người mua” - ông Tú phân tích.
Cũng theo ông Tú, đầu tư theo hình thức BT chỉ nên khuyến khích làm ở những địa phương có ngân sách hạn hẹp, có thị trường đất đai chưa phát triển. Hình thức này không nên thực hiện ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM - nơi có nguồn ngân sách lớn và thị trường BĐS hấp dẫn. Ở Hà Nội hay TP.HCM, Nhà nước chỉ cần giải phóng mặt bằng, đầu tư một ít hạ tầng rồi đưa ra đấu giá thì có thể thu được nguồn tiền đủ để làm vài con đường chứ không chỉ một con đường.
“Trong khi pháp luật về đầu tư theo hình thức BT còn nhiều kẽ hở, Chính phủ cần ban hành một nghị định riêng về vấn đề này. Trong đó quy định chặt chẽ việc định giá các sản phẩm đầu tư theo hình thức BT nhằm định giá chính xác chi phí làm đường. Mặt khác, phải quy định rõ ràng về đấu giá quyền sử dụng đất chứ không được giao chỉ định cho nhà đầu tư như hiện nay” - ông Tú đánh giá.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng hình thức đầu tư BT có những đóng góp nhất định, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, pháp luật về hình thức đầu tư này còn nhiều kẽ hở, dẫn tới việc một số nhóm lợi ích lợi dụng để thâu tóm đất đai, gây thiệt đơn, thiệt kép cho Nhà nước. Vì vậy cần hết sức cẩn trọng khi làm các dự án BT. |