Khó khăn tứ bề, xuất khẩu nông nghiệp quyết đạt 42 tỉ USD

Sáng nay, 7-1, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước 2020.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019 được đánh giá là năm vô cùng khó khăn, thách thức đối với ngành nông nghiệp. Dịch tả heo châu Phi bủa vây, gây thiệt hại lớn chưa từng có trong lịch sử của ngành chăn nuôi trong nước và thế giới. Biến đổi khí hậu cực đoan với hạn hán, lũ lụt, cháy rừng.

Thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, có xu hướng giảm giá mạnh và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch...

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN


Tuy nhiên, dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp 2019 vẫn đạt được nhiều điểm sáng nổi bật. Số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Saudi Arabia ngày càng gia tăng. Đã có 13 doanh nghiệp tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ; mở rộng xuất khẩu nông sản sang một số thị trường mới (xuất khẩu thịt gà sang Nhật; xoài, vú sữa sang Hoa Kỳ; măng cụt, sữa sang Trung Quốc; nhãn, vải sang Úc...).

Năm 2019, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm 10%-15% nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS năm 2019 đạt 41,3 tỉ USD, tăng khoảng 3,2% so với năm 2018 (riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11,2 tỉ USD, tăng 19,2%). Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 10,4 tỉ USD, tăng 19,3% so với năm 2018.

Hiện Bộ NN&PTNT vẫn đang tiếp tục đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc...; đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu lợn sữa vào Malaysia, Hong Kong; xuất khẩu mật ong đi EU, Hoa Kỳ.

Đã xuất lô sữa đầu tiên đi Trung Quốc trong tháng 10-2019, hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hong Kong (Trung Quốc) để xuất khẩu thịt heo mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hong Kong...

Sang năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định sẽ tiếp tục là năm thách thức đối với ngành nông nghiệp với các thách thức về dịch bệnh, thách thức về cạnh tranh quyết liệt của thị trường, thách thức về biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn đặt chỉ tiêu cơ bản là tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8%-3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9%-3,05%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỉ USD.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp đưa ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020. Cụ thể như thực hiện có hiệu quả chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; ngăn chặn lây lan, phát tán, tiến tới khống chế dịch tả lợn châu Phi. Tập trung thực hiện các giải pháp gỡ thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu.

Tiếp tục thực hiện Chính phủ điện tử theo các nghị quyết của Chính phủ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để tiếp tục đầu tư cho các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm