“Thịt heo không thiếu nhiều lắm đâu, cần thiết thì nhập một ít nữa, mấy ngàn tấn nữa để giảm giá xuống. Rất đáng mừng đến hôm nay giá heo hơi từ mức 90.000 đồng/kg đã xuống còn 80.000 đồng/kg và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Ông nào ghìm giá, ông nào ghìm chuồng không chịu xuất heo phải bị xử lý”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như trên tại hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 23-12.
Gần 6 triệu con heo bị tiêu hủy do dịch
Tại hội nghị, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết năm 2019 nông nghiệp nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó ngành chịu tác động lớn bởi dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xâm nhiễm và lan rộng trên cả nước, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi.
Hiện dịch bệnh cơ bản được khống chế nhưng gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng với khoảng 6 triệu con, tương đương tổng trọng lượng 342.802 tấn, chiếm 9% tổng trọng lượng heo của cả nước. Ngân sách nhà nước đã tiêu tốn hơn 5.000 tỉ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết DTHCP đã làm giảm 26% tổng đàn heo của tỉnh. Số lượng heo còn lại khoảng 800.000 con, heo nái 63.000 con. Trong công tác phòng, chống dịch đến nay đã có hơn 220 xã qua 30 ngày không phát hiện có heo chết và đang bắt đầu hướng dẫn người dân, doanh nghiệp triển khai tái đàn, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thời gian tới.
“Với sản lượng hơn 300.000 đầu heo có thể xuất chuồng từ nay đến tết Nguyên đán Canh Tý, Bắc Giang sẽ tiêu thụ trong tỉnh 40%, còn 60% tiêu thụ ở các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hà Nội. Trong dịp tết Nguyên đán năm nay, Bắc Giang có thể chủ động nguồn cung thịt heo cho nhân dân ăn tết” - ông Thái khẳng định.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết cả tỉnh có 2,5 triệu con heo, chăn nuôi chủ yếu theo mô hình trang trại. Dù bị dịch bệnh nhưng chăn nuôi vẫn tăng trưởng hơn 3%. DTHCP đã khiến tỉnh phải tiêu hủy hơn 18% tổng đàn nhưng đến nay cơ bản dịch đã được khống chế, chỉ còn 7/127 xã còn dịch. Tỉnh đang bắt đầu tái đàn, đồng thời khuyến khích người dân chuyển sang vật nuôi khác như gà, bò, vịt, dê…
Nói thêm về giá thịt heo đang tăng chóng mặt, ông Chánh chia sẻ: “Giá heo trên thị trường hiện nay dao động khoảng 90.000 đồng/kg heo hơi, giá gà lông màu 50.000 đồng/kg. Với giá này thì các hộ chăn nuôi có lãi lớn, bù đắp được phần nào thiệt hại trong đại dịch vừa qua”.
Giá thịt heo thời gian gần đây biến động mạnh. Ảnh: TÚ UYÊN
Thủ tướng yêu cầu xử lý trường hợp ghìm giá heo
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết khi xảy ra DTHCP, với nguy cơ có thể xảy ra thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm, bộ đã chủ động khuyến khích tăng cường chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn, thủy sản để bù đắp lượng thịt heo thiếu hụt.
Nhờ vậy đến nay sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh. Ví dụ, thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145.000 tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỉ quả), gia súc lớn tăng 4,2%... Cạnh đó, một số địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh nên việc tái đàn, duy trì chăn nuôi heo an toàn sinh học được đẩy mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: “Những yếu tố trên góp phần đáp ứng cơ bản thực phẩm cho nhu cầu thị trường, không làm biến động xáo trộn đời sống người dân trong dịp cuối năm và tết âm lịch cổ truyền tới”.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Năm 2019, nước ta đã thắng lợi toàn diện, nhất là quy mô nền kinh tế tăng trưởng cao trên 7%, vĩ mô ổn định. Lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập Việt Nam vượt mốc trên 500 tỉ USD, xuất siêu gần 10 tỉ USD, xóa đói giảm nghèo được quan tâm đặc biệt. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, dù năm 2019 gặp nhiều khó khăn nhưng ngành vẫn đạt tăng trưởng tốt.
Trong các kết quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm 2019, Thủ tướng biểu dương công tác phòng, chống DTHCP đã đạt hiệu quả tích cực, rõ rệt nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương.
Thủ tướng cho biết Trung Quốc thiệt hại rất lớn còn ta thì giảm thiệt hại, đang phục hồi tái đàn, rất đáng mừng. Cho đến bây giờ chúng ta giữ được 25 triệu con heo. Chúng ta phải công bố thông tin này ra để những người đưa giá heo lên cao biết heo còn đang rất nhiều, đừng có phao tin đồn nhảm rằng thiếu thịt heo.
Thủ tướng kể câu chuyện vui xảy ra tại một số địa phương ở Trung Quốc là người nào mở tài khoản ở ngân hàng thì sẽ được phát hai cân thịt heo. Hay là vài đại gia đeo vòng thịt heo trên cổ để khoe. Thịt heo rất quý.
“Mình chưa thiếu thịt heo đâu. Tôi xin khẳng định lại với tất cả quý vị như vậy để chúng ta đưa ra thị trường một tín hiệu rằng chúng ta đủ cung ứng thịt heo cho cả nước này với 25 triệu con và sẵn sàng nhập thêm vài ngàn tấn nữa. Lạm phát tâm lý rất quan trọng. Tôi nói báo chí rất nhiều lần. Nếu như chúng ta cứ nói mãi về chuyện thiếu heo thì tự nhiên cứ lạm phát về tâm lý khiến giá heo tăng cao. Chúng tôi cung cấp thông tin này để khẳng định điều này cùng với bộ trưởng Bộ NN&PTNT” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tám nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 2019 mặc dù khó khăn về thị trường, các mặt hàng nông sản giảm giá 10%-15% nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỉ USD, tăng khoảng 3,2% so với năm 2018. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 10,4 tỉ USD, tăng 19,3% so với năm 2018. Tiếp tục duy trì tám nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD như gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều... Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc...; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu heo sữa vào Malaysia, Hong Kong; xuất khẩu mật ong đi EU, Mỹ. Đối với lĩnh vực thủy sản, Mỹ đã công nhận tương đương đối với mặt hàng cá da trơn Việt Nam, giảm thuế nhập khẩu cá tra, tôm từ nước ta vào Mỹ hầu hết ở mức 0%; Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu chính ngạch 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến từ Việt Nam… |