Thủ tướng: 'Lạm phát tâm lý rất quan trọng'

Chiều 23-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát biểu chỉ đạo rất đáng chú ý tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2019 và triển khai kế hoạch cho năm 2020 do Bộ NN&PTNT tổ chức.

Thủ tướng cho biết năm 2019 là năm thắng lợi toàn diện của đất nước, đặc biệt là quy mô nền kinh tế tăng trưởng cao với trên 7%. Lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc trên 500 tỉ USD, đạt xuất siêu gần 10 tỉ USD, xóa đói giảm nghèo được quan tâm đặc biệt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2019 ngành nông nghiệp. Ảnh: KHƯƠNG LỰC

Thủ tướng cho biết hiện tầng lớp trung lưu của nước ta có 20 triệu người, chiếm hơn 15% tổng dân số. Tương lai không xa tỉ lệ tầng lớp trung lưu này sẽ lên đến 50%. Đó là xu hướng thị trường để chúng ta làm nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao, phục vụ người dân.

Thủ tướng cũng chỉ ra những thách thức lớn của nông nghiệp Việt Nam trong năm 2019. Đó là cạnh tranh quyết liệt trong thương mại toàn cầu, trong đó xu hướng bảo hộ chiến tranh thương mại có nhiều phức tạp, kể cả những sản phẩm nông nghiệp. Thứ hai là dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng xảy ra, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Do dịch bệnh này, Trung Quốc mất trên 35% tổng đàn. Việt Nam cũng mất đến 8%-9% tổng đàn. Thứ ba là biến đổi khí hậu diễn biến cực đoan ở nước ta. Nắng nóng kéo dài bất thường, nạn cháy rừng, lượng mưa lớn, hạn hán. 

Trong bối cảnh như vậy nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. 

"Nông nghiệp Việt Nam khó khăn, vất vả nhất trong năm nay nhưng đạt nhiều mục tiêu xuất sắc nhất. Dù trong điều kiện khó khăn nhưng sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, các đồng chí đã hoàn thành 3/4 chỉ tiêu Chính phủ giao là một thành công rất lớn" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, các thành tích sản xuất liên kết chuỗi tiếp tục tăng cường, triển khai rộng từ sản xuất tới chế biến và tiêu thụ. Một số vùng chuyên canh mới phát hiện như Sơn La, Hưng Yên, Bắc Giang, cá tra An Giang... Đặc biệt là có nhiều nhà máy chế biến lớn được khánh thành trong năm đầy sóng gió này. Một số ngành hàng có kết quả nổi bật như ngành gỗ đóng góp 11 tỉ USD, ngành sữa đã có thị trường mới, ngành gạo được công nhận sản phẩm gạo ngon nhất thế giới, trái cây cũng tìm được nhiều thị trường mới...

Liên quan đến công tác phòng, chống DTHCP, Thủ tướng biểu dương từ trung ương đến địa phương đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp và đã đạt hiệu quả tích cực, rõ rệt.

Nhờ vậy đến nay nước ta vẫn giữ được 25 triệu con heo, chỉ thiệt hại 9% tổng đàn và đang tiến hành phục hồi tái đàn.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT thăm mô hình chăn nuôi heo tại Bắc Giang. Ảnh: VĂN GIANG


Liên quan đến giá thịt cao tăng cao trong những ngày qua, Thủ tướng cho rằng cần phải công bố thông tin này ra để những người đưa giá heo lên cao biết, heo còn đang rất nhiều, đừng có phao tin đồn nhảm rằng thiếu thịt heo.

"Thịt heo không thiếu nhiều lắm đâu, cần thiết thì nhập một ít nữa, mấy ngàn tấn nữa để giảm giá xuống. Rất đáng mừng đến hôm nay từ 90.000 đồng/kg heo hơi đã xuống còn 80.000 đồng/kg heo hơi và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Ông nào ghìm giá, ông nào ghìm chuồng không chịu xuất heo phải bị xử lý" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng kể câu chuyện vui xảy ra tại Trung Quốc là người nào mở tài khoản ngân hàng tín dụng thì sẽ được phát hai cân thịt heo, hay là các đại gia đều đeo vòng thịt heo trên cổ. Thịt heo rất quý. 

"Mình chưa thiếu thịt heo đâu. Tôi xin khẳng định lại với tất cả quý vị như vậy để chúng ta đưa ra thị trường một tín hiệu rằng chúng ta đủ cung ứng thịt heo cho cả nước này với 25 triệu con và sẵn sàng nhập thêm vài ngàn tấn nữa. Lạm phát tâm lý rất quan trọng. Tôi nói báo chí rất nhiều lần. Nếu như chúng ta cứ nói mãi về chuyện thiếu heo thì tự nhiên cứ lạm phát về tâm lý khiến giá heo tăng cao. Chúng tôi cung cấp thông tin này để khẳng định điều này cùng với bộ trưởng Bộ NN&PTNT" - Thủ tướng nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm