Công nghệ thu giá tự động không dừng (ETC) nhằm giảm ùn tắc, minh bạch tiền thu của các dự án BOT. Tuy nhiên, việc triển khai thu giá ETC còn chậm do cả hai phía doanh nghiệp vận tải và nhà đầu tư trạm BOT chưa thật mặn mà!
Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 07/2017 và kế hoạch của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến cuối năm 2018 sẽ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ bằng công nghệ ETC trên tất cả các làn tại các trạm BOT trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Đến cuối năm 2019 sẽ thực hiện thu giá tự động ETC tại tất cả trạm BOT trên toàn quốc.
Tại TP.HCM, UBND TP đã có quyết định từ 1-1-2018 thu giá tự động ETC tại một số làn, cửa phụ của ba trạm BOT xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ và An Sương-An Lạc.
Thí điểm thu phí không dừng tại trạm thu phí An Sương-An Lạc, TP.HCM. Ảnh: LƯU ĐỨC
Để triển khai các quyết định trên, tháng 2-2017, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết 30 trạm đăng kiểm của khu vực TP.HCM, miền Đông và miền Tây Nam bộ bắt đầu thực hiện dán thẻ định danh xe (thẻ E-Tag cho xe qua làn ETC) để thu giá tự động với các xe đi kiểm định theo chu kỳ. Tuy nhiên, đến tháng 11-2017, theo thông tin từ Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, mới chỉ có khoảng 270.000 thẻ E-Tag được dán trên các loại ô tô trong khi tổng số xe trên toàn quốc là hơn 3,2 triệu chiếc. Theo các trạm đăng kiểm ở khu vực TP.HCM, miền Đông và miền Tây Nam bộ, đến nay cũng mới chỉ có khoảng 2.000 xe có dán thẻ E-Tag. “Đây là dịch vụ mới nên nhiều chủ xe còn cân nhắc; nhiều trạm BOT vẫn vừa có làn thu phí ETC vừa có làn thu phí thủ công, nhiều trạm khác chưa có kế hoạch lắp thiết bị ETC nên các chủ xe cho rằng chưa cần thiết phải dán ngay thẻ E-Tag và cơ bản nhất là việc dán thẻ chưa được luật hóa, chưa có quy định chế tài… Đó là những nguyên nhân dẫn đến việc ít xe dán thẻ E-Tag” - ông Ngô Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-07V, cho biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, tới đây việc dán thẻ E-Tag sẽ được luật hóa trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bổ sung và sẽ có quy định chế tài đối với chủ xe không dán loại thẻ này.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khi chuyển từ thu giá thủ công sang ETC sẽ không được làm tăng mức thu giá BOT. Thực tế, qua các cuộc đàm phán xây dựng phụ lục hợp đồng giữa cơ quan chức năng ở TP.HCM với chủ đầu tư các trạm BOT vừa qua cho thấy các chủ đầu tư trạm BOT đều đưa ra đề nghị được tăng thời gian thu giá để bù tiền bỏ ra làm ETC. Đây cũng là một nguyên nhân làm chậm triển khai thu phí ETC.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng tại các dự án BOT nhà đầu tư được hưởng tiền tổ chức thu phí hiện hành (chiếm 3%-12% doanh thu) nên không cần tăng tiền thu giá của các chủ xe, doanh nghiệp vận tải. Cạnh đó, về lý thuyết, khi sử dụng ETC các trạm BOT sẽ giảm được tiền in vé giấy, tiền công cho nhân sự thu thủ công, bộ máy điều hành… nên chi phí cho việc thu sẽ giảm. |