Trước đó, trả lời báo chí về vấn đề này, bà Trần Thị Mỹ An, chuyên gia giáo dục cao cấp của World Bank, cho biết thông tin trên.
Bà An cho biết thêm vẫn đang đợi Chính phủ Việt Nam chính thức đề xuất với World Bank về việc sẽ sử dụng tiền vào hoạt động gì theo như mục tiêu chung của dự án là nâng cao hiệu quả giáo dục và cải tiến chương trình SGK.
Một buổi giới thiệu bản mẫu sách giáo khoa của nhà xuất bản tham gia biên soạn sách giáo khoa. Ảnh: AH
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông.
Đến tháng 1-2017, Bộ GD&ĐT cùng Ngân hàng Thế giới chính thức khởi động dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông với tổng số tiền là 80 triệu USD (77 triệu USD vay Ngân hàng Thế giới, 3 triệu USD đối ứng) thực hiện đến năm 2020.
Dự án có mục tiêu nâng cao kết quả học tập của học sinh thông qua việc xây dựng và thực hiện CT giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực; nâng cao chất lượng giảng dạy bằng việc biên soạn, thực hiện SGK theo chương trình mới và thực hiện đổi mới đánh giá học sinh.
Đáng chú ý, dự án được chia làm bốn thành phần, trong đó thành phần hai trị giá hơn 20,5 triệu USD gồm hơn 16 triệu USD biên soạn một bộ SGK và 4,5 triệu USD cung cấp 50.000 bộ SGK (từ lớp 1 đến lớp 12) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thông tin tại buổi họp báo vào chiều 22-11, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc dự án Hỗ trợ Đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP), Bộ GD&ĐT, cho biết việc biên soạn SGK trong dự án RGEP là bộ tổ chức thực hiện, tuy nhiên trong quá trình thực hiện thì thực hiện theo chủ trương xã hội hóa. Cấu phần này trong RGEP hiện nay đang được sử dụng một phần trong sự thống nhất của World Bank để tập huấn và biên soạn tài liệu để tập huấn cho người thẩm định SGK.
Tới đây, tài liệu đó cũng sẽ được sử dụng cung cấp những người tham gia biên soạn SGK, từ đó hiểu được chương trình, tiêu chí để thực hiện việc biên soạn SGK cho chất lượng tốt.
Còn một phần kinh phí nữa thì tới đây sẽ tiếp tục tái cơ cấu cấu trúc của dự án GREP sẽ tiếp tục được sử dụng vào cấu phần khác, hoạt động khác nhưng cũng phục vụ cho việc đổi mới chương trình SGK.
"Có rất nhiều việc chúng ta cần phải làm. Biên soạn là một phần nhưng cũng cần phải triển khai tài liệu tập huấn, học liệu điện tử... chúng ta phải thiết kế cho sau này để hỗ trợ thực hiện. Phần kinh phí cũng không nhiều. 16 triệu USD nghe có vẻ là to nhưng với cả đất nước thì cũng không phải là kinh phí lớn", ông Thành nói.