Phản ánh về vấn đề này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết Điều 1, Thông tư 36 sửa đổi một số quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy hải sản yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản gián tiếp từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài, chuyển tải tại các cảng trung chuyển của nước ngoài về Việt Nam phải cung cấp “bản sao giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp”.
Giấy xác nhận phải có các thông tin: tên, số đăng ký, quốc gia treo cờ của tàu đánh bắt và tàu vận chuyển; tên loại sản phẩm thủy sản, số lượng, thời gian bốc dỡ, địa điểm bốc dỡ, điều kiện lưu giữ sản phẩm, sản phẩm thủy sản được giữ nguyên trạng, không trải qua các công đoạn nào khác ngoài hoạt động bốc dỡ.
Nhưng rà soát lại quá trình khai thác, đánh bắt, vận chuyển hải sản mà các doanh nghiệp trong nước nhập về, VASEP thấy các cảng trung chuyển của các quốc gia, vùng lãnh thổ đều từ chối cấp loại giấy xác nhận này.
Từ giữa tháng 2 vừa qua, một số doanh nghiệp nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu cho chế biến hải sản trong nước đã gặp khó do thiếu giấy xác nhận, hải quan từ chối thông qua. Nhiều container cá ngừ đang bị ách tắc tại cảng, gây tốn kém chi phí bến bãi, các nhà máy chế biến thiếu nguyên liệu sản xuất.
Theo các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản, Thông tư 36 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 25-12-2018, có hiệu lực từ 10-2-2019.
Khi doanh nghiệp biết tới nội dung thông tư này thì đã cận kề ngày có hiệu lực. Trong khi hợp đồng mua hàng đã ký từ trước đó, nên không thể xoay xở kịp.
Từ thực tế ấy, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét chỉ đạo tháo gỡ, có quy định chuyển tiếp, tạo điều kiện thông quan cho các lô hàng nhập về nước trước ngày 31-3.