Khơi thông thị trường bất động sản năm 2024: Cần cụ thể hóa các luật

(PLO)- Các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý kỳ vọng các luật vừa được Quốc hội thông qua sẽ khơi thông các nguồn lực, tháo gỡ vướng mắc giúp thị trường bất động sản hồi phục.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi được nêu ra tại Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” do Báo Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Cộng đồng Review Bất động sản cùng các đơn vị liên quan tổ chức chiều 18-1.

Năm giải pháp tháo gỡ khó khăn

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và nhiều chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt để thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực vào cuộc để triển khai tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án bất động sản tại các địa phương.

Kết quả là thị trường bất động sản cuối năm 2023 đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, nguồn cung đã từng bước cải thiện, nguồn vốn dần được khơi thông.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như vướng mắc về pháp lý dự án, cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ…

bất động sản 2024
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng các doanh nghiệp bất động sản phải có có giải pháp giảm giá nhà. Ảnh: QH

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững tại Nghị quyết số 33 của Chính phủ, Công điện số 1177 của Thủ tướng Chính phủ…

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp lý cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, thời gian qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Về các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua.

Thứ ba, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ, xem xét thực hiện chính sách hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp.

bat-dong-san-bao-xay-dung5.JPG
Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Về các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua kỳ vọng khơi thông nguồn lực thúc đẩy thị trường bất động sản. Ảnh:QH

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, thúc đẩy các phân khúc của thị trường bất động sản tốt lên.

Thứ năm, triển khai thực hiện một cách quyết liệt từ tinh thần Nghị quyết 33, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án của các doanh nghiệp gặp khó.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các doanh nghiệp bất động sản thực hiện các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm vừa túi tiền, theo nhu cầu thực tế của người dân.

Phân nhóm bất động sản để có chính sách tín dụng phù hợp

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính quốc gia, cho biết Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, các phân khúc còn thiếu cung.

Tuy nhiên, TS Lực cho rằng cách tiếp cận phải phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính, vừa kiến tạo phát triển song vẫn kiếm soát rủi ro. Đặc biệt phải quan tâm kiểm soát rủi ro tài chính, chú trọng điều tiết cung - cầu bất động sản, giá cả.

bat-dong-san-bao-xay-dung2.JPG
Theo TS Cấn Văn Lực, cần phân nhóm phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, vốn, tài chính phù hợp. Ảnh: QH

Năm 2024, theo TS Lực, cơ quan quản lý cần đẩy nhanh rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án bất động sản; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Đặc biệt phải hoàn thiện thế chế theo hướng ban hành hướng dẫn cụ thể hoá để thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật tổ chức tín dụng...

“Theo tôi phải phân nhóm phân khúc bất động sản để có chính sách tín dụng, vốn, tài chính phù hợp. Chính phủ cần có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính bất động sản chuyên biệt, quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ phát triển nhà ở xã hội, quỹ tín thác REITs, cơ quan tái tài trợ bất động sản thế chấp nhà ở hay chứng khoán hóa bất động sản. Đồng thời phải có lộ trình đánh thuế bất động sản phù hợp; thúc đẩy thanh toán không tiền mặt với giao dịch bất động sản”- TS Lực kiến nghị.

Doanh nghiệp địa ốc cần đa dạng hóa nguồn vốn

Đối với doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024, doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (nhất là năm 2024). Đa dạng hóa nguồn vốn, huy động vốn phải gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể, giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.

dat-nen-can-ho-tphcm-gia-bds-2024-5555-4938.png

Quan trọng, doanh nghiệp phải hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ thuế, tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết. Quan tâm quản lý rủi ro tài chính, tích cực góp ý, phản biện chính sách, văn bản pháp luật liên quan.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm