Khởi tố, điều tra, truy tố oan, sai đã giảm dần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) sẽ thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của các cơ quan tư pháp năm 2021. Báo cáo cập nhật số liệu từ ngày 1-10-2020 đến 31-7-2021.

Dù gặp khó do dịch, vẫn đạt chỉ tiêu Quốc hội giao

Năm 2021, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ công tác của các cơ quan tư pháp vốn nặng nề lại càng gặp nhiều khó khăn.

Dù vậy, theo báo cáo của Chính phủ, tỉ lệ điều tra, khám phá án vượt chỉ tiêu QH giao, làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng. Cơ quan điều tra (CQĐT) các cấp khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận; đồng thời chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19…

Sau khi phát hiện các quyết định giảm thời hạn án phạt tù đối với Phan Sào Nam sai quy định, VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị giám đốc thẩmcác quyết định này. Ảnh: TUYẾN PHAN

Báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao cũng cho thấy ngành kiểm sát đạt và vượt hầu hết chỉ tiêu nghiệp vụ quan trọng QH giao; các khâu, nhiệm vụ công tác đều có chuyển biến tích cực.

“Thông qua công tác kiểm sát, ngành kiểm sát đã góp phần hạn chế việc khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm; bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có đủ căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế việc lạm dụng bắt, giam; nâng chất hoạt động điều tra, truy tố; vi phạm tố tụng và các trường hợp khởi tố, điều tra, truy tố oan, sai giảm dần và vượt chỉ tiêu QH giao” - báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao nhấn mạnh.

Trong khi đó, báo cáo của chánh án TAND Tối cao cho thấy các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn xảy ra nhiều, gay gắt và phức tạp. Lượng án mà tòa phải giải quyết chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Tòa án các cấp đã đổi mới hoạt động trên các mặt công tác; nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận.

“Về cơ bản, các tòa hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là việc giải quyết, xét xử các loại án” - nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đánh giá tại phiên thẩm tra sơ bộ các báo cáo tư pháp hôm 6-9.

Đặc biệt, 10 tháng qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan; tỉ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm 2020 và đạt chỉ tiêu QH giao…

99,9% kiến nghị của VKS được CQĐT tiếp thu

Đáng chú ý, theo báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao, năm 2021, VKSND Tối cao xác định công tác điều tra tội phạm của CQĐT VKSND Tối cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đột phá của ngành; thông qua đó ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý những vi phạm trong hoạt động tư pháp.

CQĐT áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hỗ trợ điều tra, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số; cử một số điều tra viên, cán bộ điều tra tham gia khóa đào tạo chuyên sâu về đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền và công nghệ cao tại Hungary…

Nhận định về những vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng CQĐT còn để xảy ra những vi phạm pháp luật trong hoạt động khởi tố, điều tra. Điển hình như không thụ lý giải quyết hoặc thụ lý giải quyết không đúng thẩm quyền một số tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; vi phạm thời hạn điều tra; vi phạm pháp luật trong việc thu thập và bảo quản vật chứng; việc tạm giữ, tạm giam không đúng quy định; quản lý sơ hở để người bị giam giữ cất giấu, sử dụng vật cấm vào buồng giam…

Từ ngày 1-10-2020 đến 31-7-2021, CQĐT VKSND Tối cao đã khởi tố ba vụ án với ba bị can là cán bộ ngành công an về tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù trốn.

Đồng thời, khởi tố bảy vụ án với tám bị can là cán bộ cơ quan THADS về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản. 

Ngành kiểm sát đã ban hành 4.611 kiến nghị yêu cầu CQĐT, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật và đã được chấp nhận, tiếp thu 4.605 kiến nghị, kháng nghị (đạt tỉ lệ 99,9%).

Đáng chú ý, CQĐT VKSND Tối cao đã khởi tố 19 vụ với 30 bị can là cán bộ ngành công an để điều tra về tội dùng nhục hình (hai vụ/năm bị can), ra quyết định trái pháp luật (một vụ/bị can), làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc (bốn vụ/10 bị can), nhận hối lộ (hai vụ/ba bị can)…

11 cán bộ kiểm sát, tòa án bị khởi tố

Trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành kiểm sát cũng đã phát hiện một số vi phạm pháp luật và nhiều hạn chế, thiếu sót của cán bộ trong ngành.

VKS đã ban hành 2.668 thông báo rút kinh nghiệm (tăng hơn 130%); ban hành sáu kiến nghị VKS địa phương phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong quá trình kiểm sát công tác kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, điều tra vụ án.

CQĐT VKSND Tối cao đã khởi tố bốn vụ/năm bị can là công chức ngành kiểm sát về các tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; nhận hối lộ và môi giới hối lộ.

Trong hoạt động xét xử, ngành kiểm sát đã phát hiện một số tòa để xảy ra vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, hoãn phiên tòa, gửi, tống đạt bản án, quyết định của tòa; vi phạm thời hạn thông báo thụ lý vụ việc dân sự và chuyển hồ sơ; vi phạm trong việc thụ lý đơn khởi kiện, yêu cầu; nhiều bản án, quyết định có vi phạm, sai sót…

Ngành kiểm sát đã ban hành hơn 1.900 kháng nghị, hơn 2.670 kiến nghị yêu cầu tòa khắc phục (tăng 22,3%). Tòa đã chấp nhận hơn 94% kiến nghị của VKS.

Đáng chú ý, CQĐT VKSND Tối cao khởi tố sáu vụ/sáu bị can là cán bộ tòa án về các tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc; ra quyết định trái pháp luật; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Quản lý thi hành án hình sự còn thiếu sót

Trong hoạt động thi hành án hình sự (THAHS), ngành kiểm sát đã phát hiện cơ quan THAHS còn để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật về trình tự, thủ tục THA; công tác quản lý THAHS; đề nghị giảm thời hạn chấp hành án, rút ngắn thời gian thử thách đối với người đang chấp hành án treo…

Nhiều tòa để xảy ra các vi phạm về thời hạn chuyển giao bản án, quyết định về THA; vi phạm thời hạn ra quyết định THA; có trường hợp tòa ra quyết định THA phạt tù khi phần bản án chưa có hiệu lực pháp luật; nhiều bản án, quyết định về THA có sai sót về nội dung, thiếu thông tin theo quy định hoặc sai thông tin của người bị kết án…

Đáng chú ý, việc áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh tại một số địa phương không được thực hiện nghiêm, có trường hợp bị lợi dụng; nhiều trường hợp được hoãn THA phạt tù nhưng không đủ điều kiện.

Cũng theo báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao, công tác quản lý THAHS còn sơ hở, để phạm nhân trốn, phạm tội mới hoặc phạm nhân đánh nhau, cất giấu, tàng trữ, sử dụng vật cấm…

Ngành kiểm sát đã ban hành hơn 2.200 kiến nghị yêu cầu khắc phục, xử lý, phòng ngừa và đã được các cơ quan THAHS chấp nhận 99,9% trong số này.

Trong công tác THA dân sự, viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá vẫn để xảy ra một số vi phạm pháp luật. Điển hình là vi phạm trong việc tiếp nhận, thụ lý đơn yêu cầu THA. Nhiều đơn vị để xảy ra vi phạm trong việc xử lý vật chứng; ủy thác và nhận ủy thác THA; việc hoãn, áp dụng biện pháp cưỡng chế và đình chỉ THA…

Ngành kiểm sát đã ban hành hơn 1.230 kiến nghị yêu cầu cơ quan THA dân sự, hành chính khắc phục vi phạm pháp luật và được chấp nhận hơn 95%.

Số vụ án chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm

Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tư pháp hôm 6-9, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp dẫn lại số liệu cho thấy từ ngày 1-10-2020 đến 31-7-2021, CQĐT VKSND Tối cao đã thụ lý 139 tố giác, tin báo về tội phạm; thụ lý 46 vụ/57 bị can (trong đó khởi tố mới 32 vụ/44 bị can).

Theo nhóm nghiên cứu, số vụ án, bị can khởi tố đã tăng sáu vụ (hơn 23%) và 17 bị can (hơn 60%). Đặc biệt, tỉ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100% (tăng hơn 30%, vượt 10% so với chỉ tiêu QH giao).

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng dù số vụ án được phát hiện, khởi tố, điều tra có tăng so với năm trước nhưng số lượng vụ án được phát hiện chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm