Không ai tự nhiên đưa tiền “lại quả”

Ngày thứ năm xử phúc thẩm vụ án tiêu cực tại Vinalines, sau gần 10 phút nghỉ hội ý, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn bất ngờ tuyên bố tạm dừng buổi làm việc (buổi chiều 28-4) vì có những chứng cứ mới thu được từ Nga.

Tài liệu, chứng cứ mà HĐXX nhắc đến gồm có tài liệu xác minh về Công ty Nakhodka (Nga) - chủ sở hữu ụ nổi 83M, biên bản phỏng vấn nhân chứng người Nga, chứng nhận ngừng đăng kiểm đối với ụ nổi 83M… cùng nhiều tài liệu quan trọng khác. Không chỉ luật sư, ngay cả đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng đề nghị xin bản phôtô những tài liệu này.

“Sơn khủng khiếp quá!”

Đây là cụm từ được bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) nhắc lại nhiều lần khi nói về bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa Tàu biển Vinalines). Tại cơ quan điều tra, bị cáo Phúc khai chắc chắn phải có người của Vinalines đứng ra thỏa thuận với Công ty AP về số tiền “lại quả” 1,666 triệu USD vì “không thể tự nhiên người ta đưa tiền cho mình”. Ở Vinalines, hai người có quyền quyết định việc mua bán ụ nổi là chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc. Vì vậy Phúc khẳng định: “Nếu bị cáo đã không chỉ đạo gì về việc này thì chắc chắn phải là anh Dũng”.

Lý giải cho lời khai trên, tại tòa Phúc nói: “Ban đầu bị cáo không nghĩ Sơn có thể là người đứng ra thỏa thuận, vì người thỏa thuận phải là người có quyền quyết định. Nhưng bây giờ thì bị cáo nghĩ khác, vì Sơn khủng khiếp quá”.

Vẫn như diễn biến những ngày xử trước, Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines) thanh minh: “Nếu tham tiền, bị cáo đã bí mật bàn bạc với ông Goh, không bao giờ cho “quân” biết việc này”. Chủ tọa liền công bố một số lời khai của Dũng tại cơ quan điều tra khẳng định: Mình Sơn không thể thao túng được việc này, việc mua bán phải có sự chỉ đạo của những người có quyền cao nhất ở Vinalines, phải có sự thỏa thuận ngầm giữa Vinalines và ông Goh liên quan đến khoản tiền 1,666 triệu USD…


Bị cáo Dương Chí Dũng rời tòa về trại giam. Ảnh: THU NGUYỆT 

Dũng đáp: “Đây là sơ suất của bị cáo khi ký các bản cung này. Bị cáo không khai như vậy. Hôm đó, anh em vui vẻ làm việc, điều tra viên tóm tắt lại việc trước sau bị cáo không nhận việc chỉ đạo việc mua ụ nổi và ăn chia khoản tiền 1,666 triệu USD. Lúc đó hết giờ làm việc rồi, anh giám thị thì cứ đứng chờ ở ngoài để đưa về trại giam… nên bị cáo ký”.

Liền đó, đại diện VKS dẫn lại những lời khai khác của Dũng ở những thời điểm khác nhau đều có nội dung này. “Bị cáo khẳng định mình không nói như thế. Bị cáo đã có đơn tố cáo việc bản cung không trung thực, không đúng với lời khai của bị cáo” - Dũng nói.

Đề nghị thực nghiệm việc đút 2,5 tỉ vào túi đựng máy tính

Luật sư của Mai Văn Phúc hỏi Trần Hải Sơn vì sao khi chuyển tiền cho Dũng và Phúc, Sơn phải chuyển làm nhiều lần mà không phải một lần. Sơn đáp: “Vì số tiền quá lớn. Từ lúc chuẩn bị cho đến chuyển đưa, nếu đưa một lần thì rất khó khăn”.

Tại cơ quan điều tra và tại tòa, Sơn khai ba lần đưa tiền cho Phúc, lần sau cùng là 2,5 tỉ đồng, tiền đựng trong cặp đựng vi tính có bánh xe kéo. Luật sư truy: “Khi anh nhận túi tiền do chị Huyền (em gái Sơn - PV) chuẩn bị, anh bỏ tiền luôn vào cặp hay bỏ tiền ra rồi xếp vào cặp?”.

“Tôi không nhớ” - Sơn trả lời.

Luật sư liền dẫn lời khai của Sơn “tiền đựng trong túi nylon màu đen và bị cáo bỏ túi nylon đó vào cặp” rồi hỏi: “Giả sử là tiền 500.000 đồng, 2,5 tỉ tương đương 50 cọc có đút được không?”. “Thừa sức đút được” - Sơn đáp. Sau đó luật sư đề nghị HĐXX tiến hành thực nghiệm việc đút lượng tiền tương đương vào cặp.

Để xác minh lời khai của Sơn về việc Sơn nhiều lần rút tiền tại Ngân hàng Thương mại CP Hàng hải để đưa cho Dũng và Phúc, đầu giờ chiều, tòa đã triệu tập đại diện Ngân hàng Thương mại CP Hàng hải. Vị này xác nhận theo quy định, thời gian lưu giữ tài liệu về việc rút tiền bằng chứng minh thư là 30 năm. Tuy nhiên, khi được hỏi việc rút tiền của Sơn từ năm 2007 đến 2012, ông này nói: “Không tra soát được”, tức là tra soát không ra. Chủ tọa sau đó yêu cầu ngân hàng về kiểm tra lại giao dịch của Sơn chỉ riêng trong năm 2008.

Trong khi đó, luật sư của Dương Chí Dũng tiếp tục chứng minh chứng cứ để buộc tội tham ô cho các bị cáo có nhiều điểm mâu thuẫn. Chẳng hạn, hồ sơ vụ án có bản tự khai của một người tên Quỳnh (lái xe của Sơn) về việc Quỳnh đã đến đón Sơn ngày 7-7-2008 sau khi Sơn gặp Dũng ở khách sạn Victory để biếu 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, luật sư lại cung cấp bản hợp đồng thử việc giữa công ty của Sơn và người tên Quỳnh được ký sau đó tới hai tháng (tháng 9-2008).

Liên quan đến số tiền tham ô của bị cáo Trần Hữu Chiều, tại cơ quan điều tra, Sơn khai chuẩn bị đưa cho Chiều 500 triệu đồng, một lần khác đưa 20.000 USD nhưng Chiều chỉ thừa nhận cầm của Sơn 340 triệu đồng.

“Bị cáo tin anh Chiều. Anh Chiều khai thế chắc đúng thôi. Bị cáo chuẩn bị 500 triệu đồng để biếu anh Chiều nhưng chắc bị cáo rút ra rút vào nên chỉ đưa cho anh ấy chừng đó” - Sơn giải thích.

Hôm nay, tòa tiếp tục phần tranh luận.

ĐỨC MINH

 

Dọa cách chức nếu lơi việc mua ụ nổi

Liên quan đến việc mua ụ nổi, chủ tọa trích lời khai của Mai Văn Phúc tại cơ quan điều tra: “Tôi không chịu sự quản lý trực tiếp của Dương Chí Dũng nhưng tại cuộc họp lãnh đạo, bị cáo Dũng có nói với tôi rằng: Nếu anh không tổ chức thực hiện được việc mua ụ nổi 83M theo đúng tiến độ thì tôi sẽ báo cáo Thủ tướng kỷ luật cách chức anh”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Phúc xác nhận lại lời khai này và nói: “Bị cáo chưa bao giờ khai tiền hậu bất nhất”. Tuy nhiên, Dương Chí Dũng phủ nhận điều này.

Luật bất thành văn về “bồi dưỡng”

Tại tòa, bị cáo Trần Hải Sơn khai: “Có nhiều thứ bất thành văn ở Vinalines. Ví dụ, bị cáo được tổng công ty chuyển cho một khoản vốn thì phải “bồi dưỡng” cho người này, người kia. Cũng chỉ nói là “bồi dưỡng” chứ không nói cụ thể đó là khoản tiền gì”.

Sau đó, Sơn xác nhận đưa cho phó tổng giám đốc Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng cũng chỉ nói là “bồi dưỡng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm