Y án tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc

Phần cập nhật mới nhất:

15h40: HĐXX tòa phúc thẩm TANDTC tuyên án:

1. Dương Chí Dũng (Chủ tịch HĐQT): tử hình về tội tham ô; 18 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tổng hợp hình phạt là tử hình. Ngoài ra, bị cáo có trách nhiệm nộp 10 tỷ đồng tiền tham ô, bồi thường 100 tỷ đồng trong số 325 tỷ đồng hậu quả thiệt hại do cố ý làm trái.

2. Mai Văn Phúc (TGĐ Vinalines): tử hình về tội tham ô, 18 năm tù về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là tử hình. Ngoài ra, mỗi bị cáo còn có trách nhiệm nộp 10 tỷ đồng tiền tham ô cho nhà nước, bồi thường 100 tỷ đồng trong số 325 tỷ đồng hậu quả thiệt hại do cố ý làm trái. 

3. Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines): 10 năm tù về tội tham ô tài sản; 9 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt 19 năm tù; nộp 340 triệu đồng tham ô và 39 tỷ đồng do cố ý làm trái. 
4. Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines): 14 năm tù đối với tội tham ô; 8 năm tù về tội cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt 22 năm tù; nộp hơn 7,8 tỷ đồng tham ô và bồi thường 39 tỷ đồng do cố ý làm trái. 
5. Mai Văn Khang (nguyên Phó trưởng ban đóng mới tàu biển): 7 năm tù về tội cố ý làm trái, bồi thường 12 tỷ do cố ý làm trái. 
6. Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm Việt Nam): bảy năm tù, bồi thường 15 tỷ đồng. 
7. Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa): mỗi bị cáo 6 năm tù, bị cáo Đức bồi thường 7 tỷ đồng, hai bị cáo Lừng và Triện bồi thường 6 tỷ đồng. 
8. Bùi Thị Bích Loan (nguyên Trưởng ban Tài chính- Kế toán): Không kháng cáo.
Như vậy HĐXX tòa phúc thẩm TANDTC đã quyết định y án sơ thẩm đối với các bị cáo Dũng, Phúc, Chiều, Sơn, Khang, Dương; giảm 2 năm tù cho các bị cáo nhóm hải quan. 

***

Diễn biến phiên tòa:

Chiều nay (7-5), Tòa phúc thẩm TANDTC TP Hà Nội theo dự kiến sẽ tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm, bị truy tố tội tham ô và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 12-2013, Tòa đã tuyên phạt bị cáo Dương Chí Dũng mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt chung là tử hình. 

Bị cáo Mai Văn Phúc (cựu Tổng GĐ Vinalines) nhận mức án tương tự bị cáo Dương Chí Dũng.

Bị cáo Trần Hải Sơn (SN 1960, nguyên Tổng GĐ Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines) 14 năm về hành vi tham ô và 8 năm về tội cố ý làm trái, tổng hợp 22 năm tù giam. 

Bị cáo Trần Hữu Chiều (SN 1952, cựu Phó Tổng GĐ Vinalines) 10 năm tù về hành vi tham ô, 9 năm tù về hành vi cố ý làm trái, tổng hợp 19 năm tù.

Bị cáo Huỳnh Hữu Đức (SN 1965, cựu Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa), Lê Văn Lừng (SN 1959, cựu cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong) và Lê Ngọc Triện (SN 1964, cựu Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) cùng bị tuyên 8 năm tù về tội cố ý làm trái.

Bị cáo Lê Văn Dương (SN 1970, cựu Đăng kiểm viên) và Mai Văn Khang (SN 1958, cựu Phó Tổng GĐ Cty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin, thuộc Vinalines) bị tuyên 7 năm tù. 

Mức án thấp nhất là bị cáo Bùi Thị Bích Loan (SN 1963, cựu Kế toán trưởng Vinalines) về hành vi cố ý làm trái: 4 năm tù giam.

Y án tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc ảnh 1
 Các bị cáo trong vụ án. Ảnh: TTXVN

Y án tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc ảnh 2
 Bị cáo trần Hữu Chiều

Y án tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc ảnh 3
 Bị cáo Mai Văn Phúc

Y án tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc ảnh 4
 Bị cáo Trần Hải Sơn

14h06. HĐXX bước vào phòng xử án. Chủ tọa tuyên đọc bản án.

Chủ tọa công bố lại toàn bộ cáo trạng của vụ án. Theo đó, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, Vinalines đã tổ chức khảo sát và cho ký hợp đồng thanh toán tiền nhập khẩu ụ nổi 83M - một hạng mục của dự án nhà máy sửa chữa tàu thủy phía Nam với Công ty AP (Singapore).

Quá trình khảo sát thực tế, mặc dù biết ụ nổi 83M (sản xuất từ năm 1965) đã bị hư hỏng nặng, không có khả năng hoạt động và đã bị Đăng kiểm Nga ngừng cấp giấy phép đăng kiểm từ năm 2006 nhưng Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn chỉ đạo cấp dưới phải “lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua được ụ nổi 83M”.

Việc các bị cáo cố tình mua ụ nổi hư hỏng trên làm trên đã trái nguyên tắc, trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại cho hơn 366 tỉ đồng.

Cũng chính nhờ phi vụ mua ụ nổi hư hỏng trót lọt với giá khủng trên mà trong khi nhà nước thiệt hại nặng nề, công ty AP đã chuyển ngược về VN cho các bị cáo 1,666 triệu USD gọi là tiền “lại quả”.

Số tiền này Dương Chí Dũng và các đồng phạm đã chia nhau bỏ túi. Cụ thể, Dương Chí Dũng hưởng 10 tỉ đồng, Mai Văn Phúc 10 tỉ đồng, Trần Hải Sơn 8 tỉ đồng và Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng.

Tuy không có căn cứ xác định nhóm bị cáo Mai Văn Khang, Bùi Thị Bích Loan và đăng kiểm viên Lê Văn Dương cùng các cán bộ hải quan hưởng lợi từ việc mua ụ nổi hư hỏng trên trên các bị cáo cũng có nhiều sai sót trong quá trình ký, xét hồ sơ nhập khẩu, thông quan ụ nổi.

Và ngày 16-12-2013, Tòa sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên các bị cáo với các mức án như trên.

Y án tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc ảnh 5
Các bị cáo đang đứng nghe tuyên án. Ảnh: TN

Y án tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc ảnh 6
 Bị cáo Dương Chí Dũng chiều nay, khi vừa trên xe tù bước xuống

Y án tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc ảnh 7

14h35. Chủ tọa hiện đang tóm tắt lại bản án sơ thẩm và những kháng cáo của các bị cáo.

Bà Mai Phương, vợ bị các Dương Chí Dũng chiều nay đến tòa khá sớm, khoảng hơn 13 giờ chiều bà đã có mặt để đứng đợi xe tù chở chồng mình đến Tòa. Bà khá bình tâm, vẻ mặt tỏ ra lo lắng cho chồng hơn là căng thẳng đợi bản án sắp tới.

14h38. Chủ tọa: Đối với hành vi cố ý làm trái, Tòa cho rằng trong khi dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam chưa được bổ sung vào quy hoạch và chưa có quyết định phê duyệt cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nhưng Dương Chí Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Trách nhiệm trực tiếp và xuyên suốt thuộc về Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT và Mai Văn Phúc, TGĐ.

HĐXX nhận định: Ụ nổi phải được coi là tàu biển, việc nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 49 quy định về việc đăng ký và mua bán tàu biển. Công ước HS mà các luật sư đưa ra chỉ có tác dụng trong việc phân định mã số hàng hóa…

Chủ tọa phiên tòa cũng dẫn lại nhiều lời khai của các bị cáo tại các bút lục để thấy nhận thức chủ quan của các bị cáo đều hiểu ụ nổi là phải quản lý theo quy phạm của tàu biển. Thực tế ụ nổi 83M rất cũ nát, không đủ điều kiện mua, nhập khẩu, thông quan ụ. Việc loại trừ trách nhiệm của các bị cáo là cán bộ hải quan Vân Phong từ những phân tích ụ nổi không phải là tàu biển, tòa cho là không hợp lý. Luật Hàng hải đã quy định ụ nổi là một cấu trúc nổi di động phải quản lý theo quy phạm của tàu biển.

Khi thực hiện mua ụ nổi 83M, Vinalines đã vay của Ngân hàng Citibank, dùng tài sản thế chấp của Vinalines, trong khi đây là DN 100% vốn nhà nước. Tại phiên tòa, các luật sư của Dương Chí Dũng cho rằng tập thể HĐQT phải có trách nhiệm trong việc quyết định mua ụ nổi. Tuy nhiên, HĐXX nhận định: tại các cuộc họp của HĐQT, các thành viên HĐQT đều được thông báo là ụ nổi đủ tiêu chuẩn để nhập khẩu nên được loại trừ trách nhiệm trong việc này.

14h55: Tòa bác quan điểm của các luật sư cho là quyết định mua ụ nổi thuộc các thành viên HĐQT nên nếu quy tội Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc cũng phải buộc trách nhiệm những người này. Chủ tọa công bố lại lời khai của các bị cáo: Các bị cáo biết công ty Nakhodka chào bán giá ụ nổi chỉ dưới 5 triệu USD (thực tế, ụ được bán cho công ty AP với giá 2,3 triệu USD-PV), biết ụ nổi đã quá tuổi (43 tuổi), hỏng hóc nhiều không thể sử dụng… nhưng Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn quyết định mua ụ nổi là hành vi cố ý làm trái. Các bị cáo chỉ nhận thiếu trách nhiệm là không phù hợp với quy định của pháp luật. Hành vi của nhóm cán bộ hải quan đã giúp sức cho các cán bộ Vinalines trong hành vi cố ý làm trái. Các lý do kêu oan hoặc chỉ nhận tội thiếu trách nhiệm là không có cơ sở để chấp nhận.

Chủ tọa phiên tòa dẫn lại chứng cứ là những thời khai cho thấy sự chỉ đạo của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc về việc mua bằng được ụ nổi 83M qua công ty AP đối với các cấp dưới như Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang. Chủ tọa cũng công bố lại lời khai của Trần Hải Sơn về việc ăn chia khoản tiền 1,666 triệu USD. Sơn được ông Goh thông báo về khoản tiền 1,666 triệu USD. Khi Sơn báo cáo lại với Dũng và Phúc thì được chỉ đạo: “10 tỷ cho anh, 10 tỷ cho anh Phúc, còn lại cho em”…

Các lý do kêu oan hoặc chỉ nhận tội thiếu trách nhiệm là không có cơ sở để chấp nhận.

Về hành vi tham ô: Tại phiên tòa phúc thẩm, Dương Chí Dũng kêu oan và khẳng định cùng với Mai Văn Phúc không biết gì về việc ăn chia khoản tiền 1,666 triệu USD. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, Dương Chí Dũng đã có lần thừa nhận hành vi tham ô và hứa sẽ vận động gia đình nộp lại số tiền 10 tỷ này.

HĐXX phúc thẩm kết luận: hai bị cáo Dũng và Phúc giữ vai trò chủ mưu trong việc ăn chia số tiền lại quả là có căn cứ.

15h04: Tuy nhiên, HĐXX cho rằng việc không truy tố Trần Thị Hải Hà (em gái Trần Hải Sơn) về việc giúp sức Trần Hải Sơn nhận khoản tiền 1,666 triệu USD, và bản thân cũng được Sơn cho 2 tỷ đồng, là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Dũng không thừa nhận việc nhận ăn chia 10 tỷ đồng, chỉ khai một lần ở khách sạn Sheraton (TP. HCM) được Sơn biếu một vali rượu. Sau đó, Dũng được chị Lê Anh Đào (nhân viên Vietnam Airlines) giúp mang va li rượu này lên máy bay không cần qua kiểm tra an ninh. Tuy nhiên, khi lấy lời khai, chị Đào khẳng định chưa bao giờ giúp Dũng gửi hành lý trong các chuyến bay. Các hành lý trước khi lên chuyến bay đều phải qua kiểm tra an ninh nên lời khai của Dũng về việc chị Đào giúp Dũng mang vali rượu lên máy bay không qua kiểm tra an ninh là không có căn cứ.
Tòa nhận định, việc ký đề xuất thanh toán của Mai Văn Phúc, ký nháy vào hồ sơ ụ nổi của Trần Hữu Chiều, không báo cáo việc phát hiện hồ sơ thanh toán thiếu chứng từ của Bùi Thị Bích Loan như tòa sơ thẩm nêu ra là hợp lý.

Việc quy kết trách nhiệm về hành vi đồng phạm giúp sức của nhóm bị cáo là cán bộ hải quan khiến cho ụ nổi 83M được thông quan, đưa vào Việt Nam như cấp xét xử sơ thẩm kết luận hoàn toàn đủ căn cứ.

15h10: Về hành vi tham ô của Mai Văn Phúc: HĐXX cho rằng việc Trần Hải Sơn không nhớ rõ chính xác thời gian đưa tiền, chỉ nhớ thời điểm do thời gian diễn ra việc đưa tiền đã lâu, hay mô tả không chính xác các chi tiết về nhà cửa do chỉ đến một hai lần… là hoàn toàn phù hợp với thực tế.

Ụ 83M được neo đậu tại Gò Dầu gần ba năm nay không được sửa chữa. Vinalines đã đề xuất nhiều phương án, trong đó có cả phương án xin thanh lý để giảm bớt thiệt hại. Thiệt hại không chỉ dừng ở 338 tỷ mà có nguy cơ mất cả số tiền gần 500 tỷ đồng đã chi phí mua và sửa chữa ụ. Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả của vụ án là đặc biệt lớn nên việc cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt nghiêm khắc với các bị cáo là có cơ sở.

Dương Chí Dũng sau khi phạm tội đã có hành vi bỏ trốn. Tại các phiên tòa không thể hiện ăn năn, hối cải. Số tiền gia đình các bị cáo Dũng và Phúc đã nộp chỉ bằng ½ đến 1/3 số tiền tham ô phải nộp, và chỉ là một phần rất nhỏ so với số tiền gây thiệt hại nên cần phải giữ nguyên án sơ thẩm đối với hai bị cáo Dũng và Phúc.

HĐXX nhận định việc cấp sơ thẩm tuyên Trần Hải Sơn 14 năm tù về tội tham ô là quá nhẹ, cần kiến nghị tăng nặng hình phạt về hành vi tham ô đối với bị cáo Trần Hải Sơn theo trình tự giám đốc thẩm.

15h35: HĐXX cho rằng có căn cứ để giảm một phần hình phạt cho ba bị cáo hải quan.

Về việc kê biên tài sản bảo đảm thi hành án: Theo HĐXX việc cấp sơ thẩm tuyên kê biên các căn hộ đã không bảo đảm quyền lợi ½ căn hộ ở Nguyên Hồng cho bà Phương và 1/8 căn hộ của chị Thảo đồng thời gây khó khăn cho quá trình thi hành án. HĐXX phúc thẩm cho rằng có căn cứ để chấp nhận một phần kháng cáo của bà Phương và chị Thảo.

Cũng theo HĐXX, không có căn cứ chứng minh việc bà Phương đưa 10 tỷ đồng cho Dũng để mua nhà cho chị Thảo, nên kháng cáo này của bà Phương không được chấp nhận.

Quyết định: Không chấp nhận kháng cáo sơ thẩm của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn.

  THU NGUYỆT-PLO



Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm