Không biết bàn giao người nghiện cho ai

Theo ông Hứa Ngọc Thuận - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, việc xác minh nơi cư trú của đối tượng đảm bảo đúng thời hạn quy định, đảm bảo yêu cầu rất khó. Cách hiểu về nơi cư trú “ổn định” thì được mỗi địa phương hiểu một cách khác nhau nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể để thống nhất. Ông ví dụ trường hợp một người đăng ký tạm trú ở quận 8 nhưng thường xuyên đến ở nhà người quen ở huyện Nhà Bè, công an xác nhận có đăng ký nhưng không thường xuyên ở đó thì có được hiểu là không có nơi cư trú ổn định hay không? Điều này dẫn đến một số trường hợp đã hết thời hiệu áp dụng phải hủy quyết định, đưa người nghiện ra khỏi cơ sở xã hội nhưng không biết bàn giao cho cơ quan nào quản lý mặc dù đã xác định được tình trạng nghiện và họ nghiện rất nặng như loạn thần, ảo giác…

Tiếp nhận, phân loại học viên để đưa vào các phòng tại cơ sở xã hội Bình Triệu. Ảnh: HL 

Ngoài ra, việc đưa người có nơi cư trú ổn định đi cai nghiện bắt buộc hiện nay đang bị tắc ở chỗ theo quy định, người nghiện sau thời gian sáu tháng cai tại cộng đồng mà không bỏ được thì bị đưa đi cai nghiện bắt buộc. “Thế nhưng trạm y tế cấp xã, phường chưa được giao nhiệm vụ này và cũng chưa trang bị được phòng cắt cơn, nhân sự để làm việc này. TP.HCM đã cho thí điểm các phường chọn một điểm cai nghiện đủ điều kiện để đưa người nghiện đến cắt cơn, giải độc rồi giao cho gia đình quản lý. Mặt khác, chưa có quy định hỗ trợ chi phí đối với người nghiện ma túy có hoàn cảnh gia đình khó khăn mà tự nguyện đi cai tại các điểm cai nghiện này. Trong khi người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng thì lại được xét miễn, giảm, hỗ trợ kinh phí để cai nghiện”, ông Thuận báo cáo.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch HĐND TP.HCM, đánh giá cao sự chủ động xử lý vướng mắc của UBND TP trong quá trình thực hiện. Bà cho biết sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét tháo gỡ những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn mà pháp luật chưa có quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm