Trên thế giới, bệnh tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong khiến 17,3 triệu người chết mỗi năm trong khi lượng tim hiến tặng ngày càng hiếm hoi. Tuy nhiên mới đây, các nhà khoa học đã phát minh ra một loại tim nhân tạo bằng silicone với công nghệ in 3D, trái tim này rất giống với trái tim người cả về kết cấu và cơ chế hoạt động, chức năng, Dailymail đưa tin.
Theo các nhà khoa học, trái tim nhân tạo có thể là phát minh y khoa quan trọng nhất để cứu tính mạng con người. Các nhà nghiên cứu tại ETH Zurich ở Thụy Sĩ đang làm việc để cải thiện hơn nữa trái tim nhân tạo. "Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra trái tim giả có kích cỡ như chính trái tim bệnh nhân, giống về hình dáng và chức năng như tim thật" - TS đào tạo Nicholas Cohrs trong nhóm nghiên cứu cho biết.
Trái tim silicone này nặng khoảng 90 g, hơi nặng hơn tim thật nhưng có kích cỡ tương đương. Nó cũng có tâm thất trái và phải cùng buồng tim bổ sung dẫn động bơm máu để thay thế cho sự co cơ bơm máu của tim người. Các nhà khoa học hy vọng rằng phát minh này có thể thay thế bơm cơ học được sử dụng khi phục hồi sau suy tim hoặc trong thời gian chờ đợi tim hiến tặng.
Để thực hiện mục tiêu này, trái tim nhân tạo cần hoạt động được lâu hơn và có chất liệu cải thiện hơn. Nhưng triển vọng phát triển trái tim 3D này khá hứa hẹn. Nó có khả năng mở ra hướng đi mới cho tương lai nội tạng nhân tạo.
Ba năm trước, các nhà khoa học Trung Quốc đã cấy ghép thành công một xương sống 3D giả cho bệnh nhân ung thư xương 12 tuổi, giúp bé đi lại được. Tháng 6-2017, cơ quan y tế Anh thông báo có thể cấy ghép bàn tay giả 3D cho trẻ bị liệt ở Anh.