Pháp Luật TP.HCM ngày 1-11 đăng bài “Mẹ mất, cha làm khai sinh con ra sao?” phản ánh trường hợp một cháu bé không có giấy chứng sinh nên gặp khó khăn khi làm giấy khai sinh. Về vấn đề này, thời gian qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM cũng nhận được đơn yêu cầu trợ giúp và đã trợ giúp thành công. Tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm để áp dụng đối với các trường hợp tương tự.
Nhờ bệnh viện cấp lại chứng sinh
Trước đây trung tâm tiếp nhận trường hợp của cháu Kiều Thạch Thảo (sinh ngày 27-1-2001). Cha cháu cho biết cháu sinh ở BV Hùng Vương (TP.HCM), do hoàn cảnh gia đình nhiều năm qua cháu vẫn chưa được làm giấy khai sinh. Đến khi gia đình muốn có giấy khai sinh để cho cháu đi học thì gia đình lại để mất giấy chứng sinh, mặt khác mẹ cháu cũng đã bỏ đi biệt tích nên địa phương không giải quyết. Sau khi nghiên cứu vụ việc, trung tâm đã cử người liên hệ với bệnh viện xin trích lục lại giấy chứng sinh. Bệnh viện cũng đã hỗ trợ việc này nên vừa qua cháu Thảo đã được đăng ký và cấp giấy khai sinh.
Trường hợp khác là cháu Nguyễn Ngọc Phương, khi sinh, gia đình thiếu thốn nên người mẹ trốn viện, không có giấy chứng sinh. Giờ đây người mẹ cũng bỏ đi biệt tích nên cha cháu cũng chưa thể làm giấy khai sinh cho cháu. Trung tâm cũng cử người đến BV Từ Dũ (nơi người mẹ sinh con) nhờ trích lục giấy chứng sinh và được bệnh viện đáp ứng. Hiện nay trung tâm hướng dẫn gia đình đến UBND phường 18 (quận 4, TP.HCM) - nơi cháu đang cư trú để được cấp giấy khai sinh theo quy định.
Được sự trợ giúp của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM, cháu Tăng Thị Thanh Trúc (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã có giấy khai sinh. Ảnh: NH
Làm giấy cam đoan
Trường hợp của cháu Tăng Thị Thanh Trúc (A26 tổ 52, ấp 1A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) khá đặc biệt. Mẹ thì bỏ đi, cha mất nên hiện nay cháu đang ở với ông nội. Đã gần 15 tuổi rồi nhưng cháu vẫn chưa có giấy khai sinh bởi lúc sinh, cũng vì túng quẫn nên mẹ trốn viện, không kịp làm giấy chứng sinh cho cháu. Khi tiếp nhận, trung tâm cũng cử người đến BV Từ Dũ để trích lục giấy chứng sinh nhưng bệnh viện cho hay không trích lục được do hồ sơ bệnh án được tiêu hủy theo quy định của Bộ Y tế (đã lưu trữ trên 10 năm).
Lúc này để thay thế cho giấy chứng sinh, trung tâm đã yêu cầu ông nội cháu viết tờ tường trình cam đoan về những thông tin mà ông cung cấp là đúng và được xã Bình Hưng xác nhận chữ ký. Nhờ có sự trao đổi qua lại giữa trung tâm, Phòng Tư pháp và UBND xã nên xã đã hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ. Sau khi xác định mẹ của cháu Trúc không có nơi cư trú ổn định, như vậy thẩm quyền đăng ký khai sinh là nơi cháu bé đang thực tế cư trú nên vừa qua UBND xã Bình Hưng đã đăng ký khai sinh cho cháu.
Tin học hóa dữ liệu cấp giấy chứng sinh
Qua các thực tế trên, có thể thấy việc mất hoặc chưa có giấy chứng sinh rồi xin trích lục lại có thể thực hiện nếu như phía bệnh viện vẫn còn lưu trữ hồ sơ. Nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp như cháu Tăng Thị Thanh Trúc: Bệnh viện hủy hồ sơ vì đã quá thời gian lưu trữ theo quy định. Lúc ấy phải quay sang làm thủ tục là người thân của cháu bé viết giấy cam đoan về việc sinh là có thực và người này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật để thay thế cho giấy chứng sinh. Tuy nhiên, để được chấp nhận theo hướng này thì không dễ vì cần nhiều thủ tục xác định mối quan hệ nhân thân giữa người cam đoan với cháu bé cần làm giấy khai sinh cùng một số vấn đề khác…
Như vậy theo tôi, vẫn cần có quy định các cơ sở y tế được hủy hồ sơ bệnh án trong thời hạn 10 năm để giải quyết vấn đề quá tải về kho lưu trữ. Tuy nhiên, hiện nay việc số hóa không còn là quá khó khăn. Do vậy theo tôi, cần tin học hóa, lưu trữ suốt đời những thông tin về sản phụ, việc sinh nở… để làm cơ sở cấp lại giấy chứng sinh cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như vừa nêu trên.
Thẩm quyền cấp giấy khai sinh UBND cấp xã nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký; nếu không xác định được thì UBND cấp xã nơi cư trú của người cha đăng ký. Trường hợp không xác định nơi cư trú của người cha, người mẹ thì UBND cấp xã nơi trẻ em đang sinh sống thực hiện việc đăng ký khai sinh. Trường hợp người mẹ có nơi đăng ký thường trú nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú thì UBND cấp xã nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em. Trong trường hợp này, UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã nơi người mẹ đăng ký thường trú để biết. Cột ghi chú trong sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “đăng ký khai sinh theo nơi tạm trú của người mẹ”. Trích Nghị định 158/2005, Thông tư 01/2008 của Bộ Tư pháp về đăng ký và quản lý hộ tịch |