Không đăng ký kết hôn, thiệt đủ đường

Năm 2005, tôi yêu anh ngay khi tập tễnh bước chân vào công ty làm việc. Anh là đối tác của công ty tôi và chúng tôi có rất nhiều thời gian làm việc cùng nhau, hiểu nhau… Sau ba năm quen nhau, chúng tôi quyết định “góp gạo thổi cơm chung”, chuyện cưới xin, đăng ký kết hôn để sau hãy tính vì cả hai liên tục đi công tác xa. Hai bên gia đình đều biết chúng tôi sống chung và chỉ chờ ngày chúng tôi làm thiệp báo hỷ.

Ban đầu chúng tôi ở nhà thuê và chẳng tính toán chuyện tiền bạc gì, ai có bao nhiêu góp bấy nhiêu. Mọi chi tiêu trong nhà do tôi quán xuyến. Do anh là con trai trưởng nên dù cách xa hàng ngàn cây số nhưng hễ nhà anh có chuyện dù là nhỏ lớn, giỗ chạp… anh đều bay đi bay về khá tốn kém. Rồi em gái đi học, em trai cưới vợ, mẹ cần tiền sửa nhà… dần dần số tiền anh đưa cho tôi ít dần, ít dần cho đến lúc không còn đồng nào. Thấy anh sống có trách nhiệm với gia đình nên tôi cũng không tính toán mà ráng gồng gánh cùng anh. Thấy sống ở nhà thuê tốn kém quá tôi bàn với anh mua miếng đất nhỏ ở ngoại thành để mai mốt có tiền sẽ cất nhà, sinh con. Cuối năm 2010, tôi gom hết số tiền dành dụm được trong năm năm cộng với tiền thưởng cuối năm để đưa cho anh hơn 300 triệu đồng mua đất (anh nói chủ đất đòi bán 500 triệu đồng), phần còn lại anh lo.

Sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn dễ phát sinh nhiều hệ lụy. Ảnh: HTD

Sau đó, khi tôi đi công tác nước ngoài về thì anh cho biết đã mua xong đất và đang làm giấy tờ. Ngày nhận giấy chứng nhận tôi thấy chạnh lòng vì trong giấy chỉ có tên anh. Bấy giờ, anh an ủi: “Tụi mình chưa có hôn thú nên không đứng tên chung được, mai mốt đăng ký xong anh sẽ bổ sung tên em”. Sau đó, tôi thường xuyên nhắc anh xây nhà thì anh cứ ậm ờ chờ đủ tiền, ừ thì chờ chứ biết sao!

Đùng một cái, sau sáu năm chung sống thì buổi tối nọ có một phụ nữ bồng con đến nhà tôi đòi chồng, đòi cha. Tôi như muốn chết đứng khi chứng kiến cảnh mẹ chồng nựng nịu đứa bé và khoe đó là con của “chồng tôi”. Bà nói gia đình chưa có cháu đích tôn nên bà chấp nhận người phụ nữ đó là con dâu, còn người phụ nữ thì cho rằng họ đã sống chung được hai năm. Vậy là trong thời gian sống chung với tôi thì “chồng tôi” cũng đã chung sống với người phụ nữ đó ở ngoài quê (!).

Sự việc vỡ lở, tôi suy sụp tinh thần và khi chưa biết tính thế nào thì “chồng tôi” đã dọn đi nơi khác sống với mẹ con phụ nữ đó. Tôi “điên” lên đòi lại chồng nhưng vô ích vì tôi không có giấy tờ để chứng minh quan hệ hôn nhân. Trong khi đó, anh ấy đã đi đăng ký kết hôn với phụ nữ ấy để làm khai sinh cho con. Không đòi được người, tôi quay ra đòi tiền thì anh ấy phủi tay không chia vì tất cả đều đứng tên anh ấy.

Tôi quyết định khởi kiện cho ra lẽ nhưng tòa án bên cạnh việc không công nhận quan hệ vợ chồng còn bác yêu cầu chia tài sản chung của tôi vì tài sản đó được tạo lập bằng tiền riêng của “chồng tôi” và tôi không có một miếng giấy lận lưng để chứng minh điều đó không hoàn toàn đúng sự thật. Tôi kháng cáo phần chia tài sản nhưng rồi tòa cấp phúc thẩm đã y án sơ thẩm.

TRẦN THỊ T. (Huyện Bình Chánh, TP.HCM)

KIM PHỤNG ghi

Mất cả chì lẫn chài

Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Gia đình và ly hôn (FDC), cho biết trung tâm đã tiếp nhận nhiều trường hợp tư vấn về việc chia tài sản khi chia tay sau một thời gian chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

- Chị H. (Vũng Tàu) lấy chồng nhưng không đăng ký kết hôn vì chị cho rằng giấy chứng nhận kết hôn chỉ là hình thức, quan trọng là hai người ăn ở với nhau như thế nào. Trong thời gian chung sống, chị lo cho gia đình chồng rất nhiều, cấp dưỡng cho hai người em chồng học xong ĐH, đem tiền của mình về nâng cấp biệt thự của gia đình chồng, mua sắm xe ô tô cho chồng và để chồng đứng tên. Sống chung với nhau hơn bảy năm chị mới phát hiện mình bị vô sinh. Chồng chị cặp bồ với người khác, có con trai và đòi chia tay chị để đến với người này. Dù mất tuổi xuân, mất tài sản nhưng chị đành ra đi tay trắng vì không đòi được gì cả.

- Sau thời gian dài yêu nhau, anh H. (quận Tân Bình, TP.HCM) làm đám cưới với chị K. và chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Trong thời gian chung sống, anh bỏ vốn đầu tư vào công ty điện tử của gia đình chị K. Hai năm sau, người yêu cũ của chị K. ở Mỹ quay về và hai người tái hợp. Dù cay đắng vì bị tình phụ và mất tài sản nhưng anh H. không biết làm gì hơn.

T.MẬN

Ở quê tôi chuyện đăng ký kết hôn vẫn còn bị xem nhẹ mà chủ yếu là phải có đám cưới, rước dâu. Rất tiếc là tôi cũng không làm khác hơn khi đưa cô ấy về nhà làm dâu được hai năm. Năm rồi, tôi trúng được vụ tôm nên đã mua cho cô ấy chiếc xe máy và một mảnh đất vườn trồng bưởi giá 79 triệu đồng (cả hai đều do cô ấy đứng tên). Sau đó, tụi tôi cãi nhau nên cô ấy về nhà mẹ ruột ở, đem theo hết tiền bạc, vòng vàng.

Hai gia đình họp mặt nhiều lần để hàn gắn nhưng cô ấy nhất quyết không quay lại. Cô ấy nói một câu làm tôi chết điếng: “Tôi không phải là vợ anh nên giờ đường ai nấy đi”. Tôi đòi chia đôi chiếc xe, mảnh vườn thì cô ấy từ chối viện lẽ đó là tài sản riêng của cô ấy. Tôi thưa ra UBND xã thì cán bộ xã giải thích do tôi không chứng minh được tôi đã đưa tiền cho cô ấy và chúng tôi không phải là vợ chồng nên xe cộ, đất vườn không phải là tài sản chung để chia chác. Họ nói cặn kẽ vậy thì phải nghe thôi nhưng nói thiệt tôi cứ thấy tiếc hùi hụi.

NGUYỄN VĂN LẮM (Vĩnh Long)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới