Đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch cho biết điều ông quan tâm nhất là dự thảo BLTTHS (sửa đổi) cần phải ghi nhận thêm một số nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự.
Ba nguyên tắc cần bổ sung
. Phóng viên: Cụ thể là những nguyên tắc gì, thưa ông?
+ ĐB Trần Du Lịch: Nguyên tắc thứ nhất mà chúng ta đã nói nhiều là nguyên tắc “suy đoán vô tội”, vốn đã được quy định trong Hiến pháp 2013.
Nguyên tắc thứ hai là “không có luật là không có tội”. Ngày 16-6, phát biểu khi thảo luận về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của BLHS hiện hành, tôi gọi đây là một điều khoản “vét”. “Vét” có nghĩa là anh đã không tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “không có luật là không có tội”. Chính nguyên tắc này buộc các cơ quan lập pháp là nếu thực tiễn phát sinh quan hệ mới cần xử lý hình sự thì anh phải quy định tội. Nguyên tắc này không cho phép anh suy diễn. Một hành vi mà luật không quy định tội danh, hình phạt thì các anh không được suy diễn, đem một tội tương ứng ép vào để xử lý.
Nguyên tắc thứ ba là “bất hồi tố và hồi tố”. Về bất hồi tố, ví dụ bây giờ BLHS có quy định các tội danh mới chưa có hiệu lực thì không thể đem cái đã xảy ra trước đó ra áp dụng tội danh mới được. Còn về hồi tố, ví dụ hình phạt trước đây là chung thân, bây giờ là tử hình thì phải áp dụng tù chung thân. Ngược lại trước đây quy định hình phạt tử hình mà bây giờ luật sửa lại thành tù chung thân thì phải áp dụng tù chung thân. Tức là áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Tôi cho rằng ba nguyên tắc này cần phải bổ sung rất rõ trong lần sửa luật này.
ĐB Trần Du Lịch đang trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: L.PHI
Suy diễn có tội dẫn tới oan, sai
. Ông có thể nói rõ hơn về nguyên tắc “suy đoán vô tội” với quan điểm của mình, thưa ông?
+ Hiện nay thực tế ở ta rất nhiều vụ án đưa lên tòa không đủ chứng cứ để buộc tội thì thay vì tuyên không phạm tội, tòa lại trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm sao cho đủ chứng cứ buộc tội. Chuyện này sẽ làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án và có khi dẫn đến oan, sai. Chưa kể, ở một góc độ nào đó nó đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội. Có nghĩa là lúc anh kết luận, anh không đủ chứng cứ buộc tội nhưng anh cứ cảm nhận rằng nghi can có tội, anh suy diễn nghi can có tội, anh nhất quyết phải bổ sung cho đủ tội chứ anh không hề suy nghĩ theo hướng họ vô tội. Những cái này là trái với nguyên tắc suy đoán vô tội.
Do đó tôi đề nghị lần sửa đổi luật này cần phải quy định rất minh bạch về nguyên tắc này. Đặc biệt, luật cần bổ sung một nội hàm của nguyên tắc này là khi tòa xét xử mà thấy không đủ chứng cứ buộc tội bị cáo thì tòa bắt buộc phải tuyên bị cáo không phạm tội.
. Thưa ông, ông nghĩ sao về việc luật phải theo sát cuộc sống để tránh sự suy diễn chủ quan của người tiến hành tố tụng?
+ Đúng vậy. Ví dụ bây giờ có những vấn đề mới nhưng luật cũ không quy định như những hành vi rất nguy hiểm liên quan đến công nghệ cao thì bây giờ chúng ta phải gấp rút bổ sung vào luật ngay. Chúng ta chưa làm kịp thì chúng ta không thể suy diễn được.
Trong lịch sử hình sự Pháp có ghi nhận một trường hợp rất vui: Có người vào nhà hàng ăn, ăn xong đứng lên về không trả tiền. Khi đưa người này ra tòa, tòa không biết xử tội gì hết nên mới đem ra xử tội “bội tín” nhưng người ta cho rằng như vậy là suy diễn. Vì vậy, các nhà làm luật Pháp sau đó phải bổ sung vào đạo luật hình sự tội “ăn quỵt”. Họ làm luật chặt chẽ cỡ đó, không suy diễn, hình sự là phải vậy.
. Xin cám ơn ông.
Quyền được sống an toàn của công dân Mới đây, trả lời phỏng vấn của Pháp Luật TP.HCM, luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cũng cho rằng chính tư duy, thói quen suy đoán có tội, tâm lý “chắc chắn là người đó có tội, giờ phải làm sao cho người đó nhận tội” là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bức cung, dùng nhục hình và gây ra oan, sai. Theo ông Nghĩa, cần áp dụng triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội. Cần phải hiểu nguyên tắc này được đặt ra không phải chỉ dành riêng cho người bị tình nghi phạm tội mà là quyền con người của mọi công dân. Nó giúp mọi công dân được sống an toàn, được bảo vệ trong một quốc gia có nhà nước pháp quyền, có dân chủ. Quyền được suy đoán vô tội đã được thiết lập từ hàng trăm năm qua, nó giúp xã hội an toàn hơn. Mọi người đều được suy đoán vô tội. Ai muốn kết tội người khác thì phải đi tìm chứng cứ chứng minh. Còn người bị tình nghi phạm tội không có nghĩa vụ phải chứng minh mình không có tội mà mặc nhiên được coi là vô tội. |