Mới đây, nhiều trang Facebook đã chia sẻ một đoạn clip kèm lời bình: "Hãy để ý kỹ tín hiệu đèn đi bộ bên đường kia, khi màu đỏ tức là xe có quyền chạy, vậy mà những người này đứng chặn đường để đoàn đi phượt chạy qua. Hỏi sao nhiều người ác cảm với phượt thủ. Thà rằng các anh có lòng tốt phân luồng giao thông khi đường bị kẹt, trong khi đường thoáng đãng lại bắt người ta dừng xe lại. Không lẽ ai cũng được quyền phân luồng giao thông?".
Bạn Tuấn Anh bức xúc bình luận: "Người dân đâu có quyền phân luồng giao thông mà họ làm như vậy. Trường hợp đứng ra phân luồng mà gây tai nạn thì ai chịu trách nhiệm?".
Nhân chuyện này, nhiều người dân liên tưởng đến một số trường hợp khi đường kẹt xe có những người dân, xe ôm, người bán hàng rong... đầu trần, không còi, không dụng cụ nhưng vẫn nhiệt tình đứng ra điều tiết giao thông, giúp khai thông điểm nghẽn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nghe theo sự hướng dẫn của các tình nguyện viên tay ngang này nên có khi càng khiến tình hình hỗn loạn. Đúng ra công việc này thuộc chức trách và thẩm quyền của CSGT, vì vậy việc người dân tự ý đứng ra điều tiết giao thông, dù với mục đích gì đều không phù hợp.
Theo luật sư Đặng Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Đặng Thành, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết theo khoản 25 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định những người điều khiển giao thông là CSGT; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt. Việc những người tự ý đứng ra phân luồng, điều khiển là không phù hợp với quy định của pháp luật.