Văn học Việt suốt mấy chục năm qua chỉ được nhận diện trên thế giới bởi những trang viết về chiến tranh, vậy còn văn học trẻ của Việt Nam thì sao? Độc giả không quan tâm những gì người trẻ viết bởi từ lâu, người đọc vẫn nghĩ rằng người viết trẻ thiên về xu hướng giãi bày những mâu thuẫn nội tại của cá nhân họ - đấy không phải vấn đề của thời cuộc, vấn đề cá nhân thì mỗi cá nhân tự giải quyết.
Xông xáo vào dòng văn học kỳ ảo
Thật ra, người viết trẻ hiện nay đã không còn quá quan tâm đến những vấn đề cá nhân. Khá đông các tác giả trẻ đã tự cập nhật những xu hướng mới của văn học thế giới và hướng sự quan tâm tới những vấn đề của đất nước, dân tộc, thời đại.
Minh Moon (TP HCM) - một tác giả nữ trẻ - với truyện dài Hạt hòa bình, câu chuyện vừa mang màu sắc kỳ ảo, viễn tưởng vừa đưa vào khá nhiều tư liệu thật từ những người lính trở về sau chiến tranh biên giới Campuchia. Trong cuộc chiến đấu cam go với quân Pol Pot, những người lính dũng cảm đã ngã xuống, mang theo nghĩa tình đồng đội, những ước mơ và khát vọng. Câu chuyện kể về sự hy sinh kỳ lạ của người lính trinh sát giao liên Vũ Văn Hòa mà đồng đội của anh đã không thể tìm thấy xác, liệu có phải Hòa đã đến từ một thế giới khác, một thân phận khác, một thời gian khác, với số mệnh nắm giữ hạt hòa bình?
Trẻ tuổi nhất của làng viết và của dòng văn học kỳ ảo, phải kể đến tác giả Nguyễn Bình (Hà Nội), sinh năm 2001. Từ khi mới lên 10, Nguyễn Bình đã say mê khám phá và thể hiện thế giới kỳ ảo. Năm 2011, cậu bé giới thiệu tới độc giả cuốn Cuộc chiến với hành tinh Phantom (gồm 3 phần). Không chỉ là thế giới kỳ ảo được thiết kế khá chặt chẽ, độ rộng của không gian, thời gian bao trùm ở mức độ… hệ ngân hà, với người Sao Hỏa và hành tinh Bóng Ma… Câu chuyện còn dám đề cập tới cả những nhân vật như “Hitler chết năm 1945 do bị bắn thẳng vào miệng, H.G.Wells chết năm 1946. Người ta cũng hay kể rằng vài năm cuối đời, H.G.Wells đã không rời khỏi phòng mình. Có phải trong thời gian đó, ông ấy tìm cách quay trở về ngày 30-4-1945 để ám sát Hitler bằng cỗ máy thời gian?” (trích tiểu thuyết).
Nhật Phi (sinh năm 1991, Hà Nội) - vừa giành giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ V với tác phẩm đề cập đến vấn đề cỗ máy thời gian và ý nghĩa của cuộc sống. Thời gian sống của mỗi con người đều có hạn, từ người nông dân nghèo khổ đến vị hoàng đế bạc vàng châu báu đầy người, mà bi kịch thời gian luôn luôn diễn ra bởi có người thì vội vàng đến điên cuồng vì không làm hết những gì mình muốn làm; trong khi có người cứ ngẩn ngơ qua ngày đoạn tháng, biết rõ cuộc sống của mình vô nghĩa mà không biết làm thế nào để thay đổi điều đó…
Những cuộc du hành xuyên không gian, thời gian của dòng văn học kỳ ảo do các tác giả trẻ mang lại liệu có đủ sức quyến rũ để thuyết phục độc giả, kéo họ khỏi tình trạng quay lưng, thờ ơ với sách? Thật khó khẳng định chắc chắn về điều này nhưng cũng phải ghi nhận sự dũng cảm của các tác giả trẻ khi xông vào một địa hạt khó khăn và đòi hỏi tư duy nhiều như văn học viễn tưởng. Phải chăng đây cũng là lợi thế của lứa những người viết trẻ, khác hẳn lớp cha anh từng trải nghiệm cuộc sống chủ yếu trong chiến tranh?
Kiệt sức vì những trải nghiệm
Phía Bắc có các tác giả Nguyễn Đình Tú (Nháp, Phiên bản - tiểu thuyết), Nguyễn Xuân Thủy (Sát thủ online - tiểu thuyết), Nguyễn Trương Quý (Tự nhiên như người Hà Nội, Ăn phở rất khó thấy ngon, Hà Nội là Hà Nội, Xe máy tiếu ngạo… - tản văn).
Tất cả các tác giả này từ khi còn rất trẻ cho tới khi vào độ chững chạc ngoài ba mươi đã luôn miệt mài gắn kết với sự lựa chọn của mình. Độc giả sẽ thấy đau đớn với những trải nghiệm thực tế ghi chép lại từ tội phạm xã hội của các tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú và Nguyễn Xuân Thủy; thấy bần thần, tê tái, đớn đau với những “săm soi” dí dỏm trần trụi về Hà Nội, về những thói xấu khó bỏ của người Việt hiện đại trong văn phong Nguyễn Trương Quý.
Nguyễn Đình Tú vui vì cuốn Phiên bản của anh đã được đạo diễn Cường Ngô lựa chọn sản xuất phim nhựa Hương Ga, bộ phim chắc chắn sẽ góp phần đưa thông điệp nhân văn về những thân phận bên lề xã hội tới được số đông công chúng hơn so với người đọc tiểu thuyết.
Phía Nam có tác giả Lê Minh Nhựt (sinh năm 1981, Cà Mau) xuất hiện với những truyện ngắn dù mang hơi hướng của Nguyễn Ngọc Tư nhưng khám phá những khu vực khác nhau của đồng bằng Nam Bộ với trải nghiệm rất sâu sắc: Những đám mây bốc cháy, Gia tộc ăn đất, Đất cháy, Mệnh lênh đênh… đưa người đọc rơi vào nỗi niềm đau đớn quằn quại đến thắt tim của người nông dân. Họ yêu đất, yêu những con người gắn bó với đất, cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đấu tranh vì đất, đánh giết nhau cũng vì đất.
Trao đổi với các tác giả, biết được người thì thật sự có ý thức về chuyện viết lách, người thì chỉ sáng tác bằng bản năng và sự hồn nhiên nhưng tất cả đều hiểu rằng văn học không phải thứ nuôi sống họ trong cuộc đời mà là những chắt lọc tinh túy từ cuộc sống mà họ làm được với mong muốn có thể để lại chút gì có giá trị cho người đọc.
Xây dựng “căn cước văn hóa”
Lê Minh Nhựt tự sự có cảm giác mình luôn phải “bơi” trong một biển những thứ muốn làm mà bất cứ chuyện gì cũng chưa làm xong nhưng vẫn luôn nuôi giữ khát vọng văn chương như một người dự phần thực sự cho dù với những đau đớn của nó chứ không phải chỉ “chầu rìa”. Điều mà Nguyễn Trương Quý trăn trở nhiều nhất, hằn lại trong anh sau những chuyến đi ra nước ngoài giao lưu văn hóa với các bạn viết trên thế giới chính là kiến thức xã hội, chính trị uyên bác và không có giới hạn của họ. Khối lượng kiến thức thực tế khổng lồ khiến anh có cảm giác bị kiệt sức. Nguyễn Trương Quý mơ ước đến một ngày có thể viết ra những tác phẩm về những năm tháng bản lề của xã hội Việt Nam và không phải chỉ phản ánh những thực tại mà là để tham gia vào câu chuyện xây dựng “căn cước văn hóa” cho mỗi quốc gia trong thời buổi thông tin toàn cầu.